ĐI HỌC NHƯNG "NGẠI" ĐI VỆ SINH
Có con năm nay vào lớp 1, ngày đi nộp hồ sơ cho con, chị Thu Hà (trú Q.4, TP.HCM) phải tranh thủ chạy vào nhà vệ sinh để "tham quan". "Câu đầu tiên con bé hỏi tôi khi sắp tựu trường là mẹ ơi nhà vệ sinh có sạch không. Suốt cả tuổi thơ đi học của tôi ở quê cũng đã bị ám ảnh bởi nhà vệ sinh trường học nên tôi hiểu cảm giác đó", chị Thu Hà nói.
Đi học nhưng ngại đi vệ sinh ở trường học là tâm lý chung của không ít học sinh (HS), nhất là nữ sinh. T., nữ sinh lớp 8 Trường THCS Võ Thành Trang (Q.Tân Phú, TP.HCM), nắm rõ vị trí các khu vệ sinh trong trường mình, tuy nhiên chỉ khi nào "chịu không nổi" bạn mới xuống nhà vệ sinh. "Nhà vệ sinh không dơ lắm, nhưng con cứ thấy không thoải mái", T. nói.
NƠI nhà vệ sinh ĐẸP NHƯ KHÁCH SẠN, NƠI... KHÔNG VỆ SINH
PV Thanh Niên đã khảo sát nhiều khu nhà vệ sinh trong các trường học tại nội thành, ngoại thành TP.HCM trong tháng 7, tháng 8 cho thấy điều kiện các khu nhà vệ sinh của mỗi trường học có sự khác biệt.
Những trường học mới được xây dựng rất chú trọng các khu nhà vệ sinh cho HS, giáo viên. Chẳng hạn Trường tiểu học Trần Văn Ơn (Q.11) bên trong nhà vệ sinh rất rộng, ngăn cách riêng biệt các buồng, luôn có cây xanh để tạo cảm giác sạch sẽ, thoải mái.
Có trường học, khu nhà vệ sinh sạch đẹp tựa như ở khách sạn, như Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3).
Khảo sát, lấy ý kiến HS về nhà vệ sinh trường học
Năm học nào Sở GD-ĐT TP.HCM cũng có ra văn bản yêu cầu các trường học giải quyết triệt để, không để tồn tại tình trạng nhà vệ sinh không đạt yêu cầu. Tháng 4.2023, Sở đề nghị các trường học khảo sát, lấy ý kiến của HS về bữa ăn bán trú và nhà vệ sinh trường học xem có đạt các yêu cầu an toàn, sạch sẽ, có thiết bị cơ bản của nhà vệ sinh trường học hay không, có thiếu nước sạch, xà phòng rửa tay cho HS hay không…
Trước đó, trong năm 2022, Sở GD-ĐT TP.HCM có báo cáo kết quả khảo sát của HS về khu vực vệ sinh trong trường học là 4,09/5 điểm.
Nhiều trường học trong TP.HCM tuổi đời đã lâu, nhà vệ sinh cũng được sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo các khu rửa tay riêng biệt, khu nhà vệ sinh tách biệt nam - nữ, như tại Trường tiểu học Lý Nhân Tông (Q.8); THCS Võ Thành Trang (Q.Tân Phú); tiểu học Lê Văn Lương (xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè).
Tại Trường tiểu học Lê Văn Lương (H.Nhà Bè), trong toilet còn có tiếng nhạc du dương và những thông điệp giữ gìn vệ sinh chung, tiết kiệm nước... Hay bất ngờ tới khu nhà vệ sinh của Trường THCS - THPT Diên Hồng (Q.10, TP.HCM), chúng tôi được nghe HS khen hết lời toilet trường mình vì sạch, thơm, thoải mái đứng soi gương, trò chuyện, các bạn nữ còn có một phòng "nhà vệ sinh kinh nguyệt" với móc treo, vòi hoa sen để có thể tắm, gội đầu ngay ở trường.
Dù vậy, chất lượng các khu nhà vệ sinh trong một số trường học khác chưa được như vậy. Đoàn khảo sát của ASIF Foundation (tổ chức phi chính phủ được thành lập vào ngày 13.12.2018 tại bang New South Wales, Úc và có giấy phép hoạt động tại VN năm 2020, nhằm mục đích xây dựng hệ sinh thái thiện nguyện chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả tại VN) đang hợp tác cùng Trung tâm công tác xã hội thanh niên, Thành đoàn TP.HCM để xây dựng nhiều nhà vệ sinh đạt chuẩn trong trường học tại TP.HCM, cho PV Thanh Niên biết nhiều khu nhà vệ sinh nhưng không vệ sinh.
Nhiều trường học ở ngoại thành thành phố có khu vệ sinh ẩm thấp, bong tróc, mọc rêu, sàn gạch, các bồn tiểu, bồn rửa tay vòi nước cũ, không đạt vệ sinh. Khảo sát được thực hiện trong tháng 7.2023.
Anh Võ Quốc Bình, Trưởng phòng Kết nối tình nguyện, Trung tâm công tác xã hội thanh niên thành phố (Thành đoàn TP.HCM), cho biết qua khảo sát cho thấy có khoảng 28 trường học ở nội, ngoại thành TP.HCM đang có nhu cầu sửa chữa, xây mới khu nhà vệ sinh để đảm bảo an toàn, sạch đẹp. Mới đây đơn vị của anh Bình đã phối hợp cùng một doanh nghiệp tài trợ xây mới, sửa chữa 2 khu nhà vệ sinh ở Trường tiểu học Lê Thị Pha, xã Tân An Hội, H.Củ Chi và Trường tiểu học Qui Đức, H.Bình Chánh. Công trình đã hoàn thành, HS không còn "rùng mình" khi bước vào toilet.
Ngày đoàn tới khảo sát, tại Trường tiểu học Lê Thị Pha, H.Củ Chi, khu vệ sinh của HS nam, nữ dùng chung, bồn cầu vẫn dùng loại ngồi xổm, mùi rất hôi, HS quá đông, khu vệ sinh lại nhỏ hẹp nên không đủ "tải".
Hiện trạng một số nhà vệ sinh xuống cấp ở ngoại thành TP.HCM hồi tháng 7.2023, các khu này sẽ được xây mới vào tháng 10.2023
ASIF
Nhà vệ sinh sạch đẹp, an toàn làm nên trường học hạnh phúc
Theo UNICEF VN, nước sạch, nhà vệ sinh cơ bản và thực hành vệ sinh tốt là điều cần thiết cho sự sống còn và phát triển của trẻ em ở VN.
Trao đổi với PV Thanh Niên, thạc sĩ, kỹ sư xây dựng, quy hoạch Nguyễn Thị Mai, đại diện tại VN của Ban Quốc tế, Hội Quy hoạch Mỹ, chuyên gia công trình bền vững IFC/World Bank, cho hay nhà vệ sinh có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của HS, cũng như hiệu quả học tập. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ rõ rằng nhà vệ sinh nằm trong nhóm ưu tiên trong sức khỏe công cộng. Còn chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GD-ĐT đã xác định 5 nhóm nội dung về bảo vệ, chăm sóc HS học đường gồm: vệ sinh trường học; thể chất học đường; dinh dưỡng học đường; bữa ăn học đường; nước sạch học đường.
Song thực tế là một số trường học "bỏ quên" nhà vệ sinh trong thiết kế và duy trì. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Mai, với một số cải thiện nhỏ trong thiết kế cũng như cách thức vận hành, các trường học có thể nâng giá trị sử dụng, cải thiện công năng của nhà vệ sinh học đường. Đầu tiên, nhà vệ sinh cần sạch sẽ, thông thoáng, đây là yếu tố quan trọng nhất. Điều này cần được xây dựng với vật liệu tốt, quản trị, vận hành tốt, nhà trường có thể thuê các đơn vị vệ sinh chuyên nghiệp.
Tiếp đến, nhà vệ sinh cần riêng tư, an toàn. Cửa vào nhà vệ sinh cần được đặt nối với hành lang, dễ nhìn thấy, có thể lắp đặt camera quan sát để tránh những ứng xử không văn minh như bắt nạt, hoặc những ứng xử xung đột giữa hai giới.
Nhà vệ sinh cũng cần đảm bảo tính riêng tư về thị giác cũng như âm thanh. Các tấm ngăn buồng vệ sinh riêng cần đủ cao và đủ dài để ngăn cách góc nhìn và tăng tính cách âm, từ đó tăng sự tiện nghi và thoải mái cho trẻ…
Dù vậy, phó hiệu trưởng một trường THCS tại Q.Tân Phú (TP.HCM) thừa nhận trong thực tế có những cái khó cho nhà quản lý như cơ sở vật chất được xây dựng từ nhiều năm trước, sĩ số HS quá đông, khu vệ sinh chưa đủ lớn nên có lúc "quá tải". Trong khi đó, kinh phí để thuê nhân viên lao công, vệ sinh, dọn dẹp trong các khu nhà vệ sinh có hạn, đồng thời, việc duy trì nhà vệ sinh sạch đẹp cũng là trách nhiệm của HS nhưng nhiều em chưa có ý thức. Điều này dẫn tới kết quả chung là nhiều trường học tại TP.HCM đã rất cố gắng, nhưng không phải toilet lúc nào cũng sạch sẽ.
Bà Lâm Ngọc Thảo, Giám đốc điều hành ASIF Foundation, cho biết tháng 10.2023 sẽ khởi công xây khu vệ sinh tại Trường tiểu học Tân Xuân (H.Hóc Môn) và Trường THCS Gò Xoài (H.Bình Chánh, TP.HCM). Tới hết năm 2024, dự kiến sẽ xây mới, cải tạo khoảng 20 khu vệ sinh trong 20 trường học tại ngoại thành TP.HCM, nhằm giúp học trò không còn ám ảnh về nhà vệ sinh trường học.
"Không chỉ xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn, hợp phần mà chúng tôi đưa về các trường học còn là nâng cao năng lực của HS, giáo viên trong giữ gìn vệ sinh chung, tiết kiệm nước sạch, phòng chống xâm hại, phòng chống đuối nước, giáo dục giới tính... Bởi đó mới là vấn đề gốc rễ để có thể vận hành, quản lý các khu nhà vệ sinh hiệu quả", bà Lâm Ngọc Thảo nói.
Bình luận (0)