'Nằm khóc một mình' của những người không chuyên

Hoàng Kim
Hoàng Kim
14/06/2023 07:40 GMT+7

Trong bối cảnh sân khấu có nhiều vở chạy theo thị trường dễ dãi, vở kịch mới Nằm khóc một mình (tác giả và đạo diễn: Đức Huy) của Sân khấu kịch Báo chí Nhân văn đã gây ngạc nhiên không ít bởi sự nghiêm túc, tính thẩm mỹ, và cả chất mộng mơ.

Lấy hội trường của Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) làm sàn diễn, diễn viên là những sinh viên của khoa Báo chí và Truyền thông, nhưng vở kịch đã mang tính chuyên nghiệp bất ngờ trong tất cả các khâu: cảnh trí, âm nhạc, tiếng nói sân khấu, kỹ thuật biểu diễn, ca múa…

Câu chuyện lấy bối cảnh Đà Lạt thập niên 1980, có những người trẻ yêu nhau, yêu âm nhạc, nghệ thuật, họ "vật vã" trên hành trình thực hiện ước mơ, đấu tranh với bên ngoài, với bản thân mình. Cuối cùng, họ có đạt được điều thiêng liêng mà mình mong muốn hay không? Câu trả lời dường như bỏ ngỏ, nhưng chắc chắn rằng cuộc đời sẽ đúng như cái kết của vở, tất cả đều gặp nhau ở nghĩa trang - nơi nấm mộ ấy, vừa là nấm mộ thực tế, vừa là nấm mộ trong tâm… Vở kịch để lại một dư âm bùi ngùi, cô đơn, mênh mang nhưng tuyệt mỹ, bởi cái đẹp đã thấm đẫm tâm hồn người xem từ đầu đến cuối vở.

Đặc biệt trong vở kịch, khán giả gặp lại nhiều bài hát xưa nổi tiếng như Love Story, Romeo and Juliette, Come back to Sorrento, Kachiusa… Âm nhạc góp phần rất lớn vào việc thể hiện tâm lý nhân vật, gieo cảm xúc cho khán giả.

Câu lạc bộ Kịch khoa Báo chí và Truyền thông thành lập đầu năm 2017, đến nay đã công diễn được 5 vở kịch dài (Mặt trời soi kiếp rong chơi, Cuối trời phiêu lãng, Trái tim hóa thạch, Lá hát như mưa, Nằm khóc một mình). Anh Thái Thái, Chủ nhiệm CLB, cho biết: "Mọi thứ đều phải tự túc, chúng tôi tự góp tài chính để dàn dựng và biểu diễn. Mỗi vở tốn khoảng gần trăm triệu, thu lại không bao giờ đủ, nhưng chúng tôi vui vì được sống với đam mê của mình".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.