Nam kỳ ngao du: Kiều dân và người bản xứ

28/08/2022 07:30 GMT+7

Tôi tha thẩn. Một Âu châu giả hiệu đã chắn giữa tôi và Viễn Đông. Những công trình của thành phố đều mang dáng dấp đền thờ Phục hưng dành cho bọn trưởng giả. Ngay trong phòng mình tôi cũng gặp một lan can phong cách Louis XIII với mũ cột kỳ quặc.

Rất hiếm khi thấy được ông lớn Âu châu của chính quyền đi trên phố. Ông ta trú trong cung điện, vườn cây. Nếu có thấy thì cũng chỉ thấy những chiếc xe hơi lướt nhanh qua. Nhưng người Âu trung lưu thì hiện diện trên phố, vào những giờ giải khát. Đâu chỉ dưới mái hiên quán cà phê. Họ còn hiện diện trước nhà, trên bậc thềm, sau song cổng công viên như ở Gagny hay Chelles-Gournay, quây quần quanh bàn rượu. Bàn rượu với người Âu không khác gì bàn thờ với người An Nam…

Dinh Toàn quyền Đông Dương năm 1921 qua ống kính Ludovic Crespin

Kia là mấy người Âu tụ tập quanh bàn rượu, ly tách và xô đựng đá. Người Paris ngày chủ nhật thường xúm xít quanh một chai vermouth hoặc một chai absinthe lậu trong những biệt thự ngoại ô Paris. Nhưng ở đây rượu phong phú hơn nhiều. Tôi không biết chính xác có bao nhiêu chai trên bàn. Tôi không có thời gian đọc hết nhãn rượu: nào là Noilly-Prat, Gentiane, Suze, nào là Saint-Raphael, Cinzano, Mandarin. Rồi cả Vieille Cure và một lô lốc khác. Còn rượu Cognac hiệu Martel thì tùy gu thưởng thức mà pha theo tỷ lệ với nước khoáng Perrier. Có những người An Nam tưởng rằng ngôn ngữ Pháp chỉ gồm duy nhất từ “Martel-Perrier”.

Cảnh sông nước và đời sống thương hồ: Sông Sài Gòn - Cột tín hiệu (tức Cột cờ Thủ Ngữ) năm 1921 qua ống kính Ludovic Crespin

THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP

Nếu như thuộc địa bào mòn gã thực dân thì nó cũng thường thổi phồng gã ấy. Đằng sau cánh cổng kia thấp thoáng đại lộ Bonnard hay đại lộ Charner, có hai người bước đi, một người đàn ông và một người đàn bà. Họ tưởng như đang ở Lagny. Trông họ như đang đi hóng gió, dù rằng nhiệt độ cao ngút. Họ to lớn, nhưng là kiểu to lớn của những trái banh căng phồng, sưng múp. Da họ không phải màu vàng như người bên Âu châu tưởng tượng. Dân thuộc địa Vichy phải nhuộm da trước khi bắt đầu kỳ nghỉ. Da của họ có màu trắng rữa nát, màu sữa hỏng. Và người đàn bà hộ pháp kia quấn lụa mỏng, vải lụa phấp phới, thứ lụa của vũ nữ. Cả hai bọn họ không khác gì hai khúc giò ngấn mỡ cuộn lại và giở ra. Trên cái bụng như trống là ngực và mặt nhão nhoét tựa bùn lầy. Và những con mắt ti hí, những con mắt ti hí mất hút trong khối thịt mỡ, nhìn đời ngạo mạn.

Bùng binh Đại lộ Bonnard (nay là Lê Lợi) và Đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ) năm 1921 qua ống kính Ludovic Crespin

Ngạo mạn ư? À không… chỉ tôi, gã Âu châu chân ướt chân ráo tới đây mới thấy sự ngạo mạn trong cái tự mãn tuyệt đối, trong cái tự tin của một giống nòi thượng đẳng tiền định, giống nòi mang trong mình văn minh và phải giữ cho được phẩm giá của nền văn minh đó. Truyền thống danh vọng Âu châu đã biến gã thực dân da trắng trở thành một loại thánh thần hãnh tiến.

Dưới một bầu trời ngột ngạt, đậm đặc sắc màu, trĩu xuống vì những đám mây ken dày, con sông Sài Gòn và bờ sông lấp xấp cây cối. Một chiếc tàu chở hàng đứng sững. Phong cảnh sông nước và đời sống thương hồ.

Tôi lê bước qua mặt tiền của những tiệm tạp hóa Trung Hoa và những tiệm trang sức An Nam, những người thợ ngồi thành hai hàng dài chạy dọc con đường, trước những bàn nhỏ, họ làm những chiếc vòng vàng ta rất tỉ mẩn và những chiếc nhẫn tầm thường đính đá đỏ y hệt nhau.

Trước một tiệm hớt tóc, một thằng nhỏ vừa đạp một chân lên tấm ván vừa kéo cái panka. Trong một tiệm khác, một người phụ nữ kéo quạt bằng tay. Họ không sốt ruột với công việc đơn điệu này. Thời gian nơi đây không được áp dụng một cách khoa học, kể cả giờ giải lao hay giờ lao động. Một anh hớt tóc không chỉ chăm chút cho mái tóc. Anh ta còn lấy ráy tai. Với cái bàn nạo bé xíu, anh ta làm sạch tai cho khách. Đôi khi thợ hớt tóc kiêm luôn nha sĩ, như thể bác sĩ phẫu thuật cũng là thợ cạo. Qua cửa kính, ta thấy những bộ răng mạ vàng không khác gì ở “nha khoa Radium” ngoại ô Âu châu.

Trước một căn nhà tồi tàn, một bà lão mù người Hoa đang ngồi trên ghế đẩu. Một đứa trẻ trần truồng, bụng ỏng, lê la cạnh bà. Đó cũng là cửa tiệm nhưng bên trong không có hàng hóa gì. Phía sau tấm ván che, một gã người Hoa đang mỉm cười.

Và cuối căn nhà rách nát tăm tối không thể nhìn thấy được, có một lư hương và mấy chân đèn đặt trên bàn thờ tỏa một cái bóng vàng vọt dị kỳ. Có nhắm mắt lại tôi vẫn thấy cái bóng, dù có về lại trời Âu xanh mát đi nữa.

Tôi nắm lấy cằm đứa nhỏ. Gã người Hoa cho tôi thấy sự giàu có của y và mở nắp thẩu đựng bánh ngọt. Đây hoàn toàn không phải là một hành động quảng bá thương mại. Y hiểu sự tò mò của tôi. Y nói với bà già mù, bà đang ngồi và cùng mỉm cười.

Sau này người ta mới nói cho tôi hay rằng Hoa kiều và người An Nam không có thói quen mỉm cười hay cảm ơn một người Âu. (còn tiếp)

(Nguyễn Quang Diệu lược trích từ tác phẩm Nam kỳ ngao du của nhà văn Léon Werth - Thư Nguyễn chuyển ngữ).

Nam kỳ ngao du

Sài Gòn, những hình ảnh đầu tiên

Cuộc sống thường nhật của người bản xứ

Ấn tượng Nguyễn An Ninh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.