Nam kỳ ngao du: Phố Paris giữa Chợ Lớn

03/09/2022 06:56 GMT+7

Phố Paris [rue de Paris, nay là đường Phùng Hưng] sáng lóa ánh điện, lổn nhổn xe kéo, quán hàng nơi phu túm tụm và những nhà hàng dành cho giới giàu có Trung Hoa và đám thực dân bóng bẩy, những bậc thang được lát gương hoặc gốm sứ.

Những tiệm hút… Chỉ cần ngó nghiêng là thấy. Những bàn chân trần bất động phi thường. Khách vào trong tiệm. Những người bước ra từ cơn mơ nhìn khách lạ như thể anh ta là đồ cặn bã, rác rưởi trong cơn mơ của họ, hay nhân vật của một bộ phim giả tưởng. Đừng đánh giá thuốc phiện theo những nguyên tắc thần học của rượu vermouth-cassis.

Vẫn là phố Paris… Những tấm lưng trần và những cẳng chân trần của chủ, tớ Trung Hoa. Hai người Hoa ngồi xổm trên lan can ngăn cách nhà hàng với đường phố trong tư thế của một thầy thông giáo xứ Ai Cập. Bất động. Họ là người thực hay là tượng đá? Người thực. Người Hoa bám đất cực kỳ chắc chắn. Đôi khi chúng ta có cùng một cảm giác hoang đường khi đứng trước một người An Nam như đứng trước một số người miền Nam quê ta [Pháp]. Mọi thứ đều lộn lạo: làm việc và nghỉ ngơi, tĩnh lặng và chuyển động. Cái này nằm trong cái kia. Trong cùng một cửa tiệm, người thì ngủ, người thì ăn, người khác bán hàng, và người khác nữa chơi mạt chược, một kẻ thét lên những con số, kẻ khác đập mạnh lên bàn tính. Người ta chơi đùa với thời gian. Người ta không có quy củ. Người ta không phân chia giờ giấc thành từng quãng.

Ngã tư Phùng Hưng - Khổng Tử

Trước những cửa tiệm, người ta rửa ráy, lau mặt, lau mình và tạt nước từ thùng gỗ lên cẳng chân.

Những nhà hàng trên phố Paris và những nhà hàng trên các phố khác. Giữa đường phố và hàng quán là bếp núc và những đầu bếp tất bật. Phía dưới là phu xe quây quần quanh nồi cháo cá. Phía trên là những ông trời con uống rượu sâm-panh. Phố Pigalle và phố Belleville xếp chồng lên nhau, lẫn lộn với nhau.

Một thứ âm nhạc ồn ĩ, gay gắt, dồn dập bủa vây người ta. Nhạc cụ dây, hơi, gõ đủ cả. Không có hòa âm cũng không có trống tam-tam. Dòng thác lũ âm thanh, tiếng ồn dịu xuống và nhịp điệu hối hả. Âm thanh, tiếng ồn, nhịp điệu bay qua cửa sổ nhà hàng đêm khuya xuống phố. Chúng xoay tròn xung quanh tôi. Tiếng mạt chược đập mạnh trên bàn hòa với tiếng hát xa xăm của một cô đào bé nhỏ.

Đào hát đi xe kéo, người đẹp tóc bím ùa xuống phố. Trước những ngôi nhà, trên những chiếc chiếu trải ra đất hoặc trên chõng tre, người Hoa nằm ngủ, một mình hoặc từng nhóm. Ở đây có cả một gia đình. Trẻ con có một chiếu riêng. Chúng nằm xuôi ngược sát bên nhau, co quắp tối đen.

Từ sân thượng một nhà hàng, phía bên kia phố nhìn như bị xẻ dọc. Mọi thứ đều mở toang. Chừng như những ngôi nhà bị cắt thật ngọt và một trong những cạnh của chúng đã bị đánh sập. Không khác gì một sân khấu kịch. Bếp núc, lưng trần, áo thun trắng, quần vải cộc. Đêm hầm hập.

Một nàng Trung Hoa đi giày da lộn, tóc thắt bím, bước qua. Đôi chân không bó buộc của nàng trần trụi trong chiếc giày. Nhưng nàng bước như người què quặt, lắc lư, rờ rẫm.

Trong một gian nhà, đối diện, chừng bốn, năm, sáu người… nằm ngủ trên một chiếc giường, trên cả quầy hàng. Một người khác bước vào, mở rương, chải tóc trước một chiếc gương nhỏ. Tôi thấy họ từ nhà hàng màu lục và đỏ, vây quanh là tiếng trống tam-tam và chũm chọe đinh tai.

Chợ Trung tâm ở Chợ Lớn năm 1925, vị trí này ngày nay là Bưu điện Q.5

MANHHAIFLICKR

Đã chín giờ đêm. Tiệm kim hoàn vẫn còn làm việc. Trong ấy có năm, sáu, hay mười người… tôi đoán vậy. Người này ngồi sau người nọ, cúi trên chiếc bàn nhỏ như bàn học sinh tiểu học. Giải trí, nghỉ ngơi, lao động dường như đồng thời trôi chảy trong nhau.

Trên những quầy bán hoa quả gồm bưởi, vải, mít và sầu riêng đã bổ, có những ly đựng chất lỏng màu lục, màu vàng và thứ nước kỳ lạ này chứa những hạt nhẹ bẫng tạo thành vòng xoáy chất lỏng, vòng xoáy không khí.

Cũng trên nền đất đó, một nhóm gồm phu xe và hai người phụ nữ cùng chơi bài. Họ ngồi xổm thành vòng tròn. Nhưng chỉ có bàn chân là tiếp đất. Ngồi như vậy sẽ cho phép họ thoát thân ngay lập tức nếu có sĩ quan cảnh sát Pháp nào bắt gặp. Vì chỉ người Âu mới được chơi bài. Phải cấm người Hoa và nhất là người An Nam dính vào trò cờ bạc, thứ đã đẩy người giàu vào các ổ bài và đẩy người nghèo lập sòng ngay trên phố. Đạo đức Âu châu mà chính quyền viện dẫn xem ra khả dụng ở đây. Tôi chỉ muốn đưa ra một ví dụ thế này. Gần Sóc Trăng có một sòng bài lớn của người Hoa tập trung rất nhiều con bạc. Sen đầm của thị trấn đó mỗi tháng lãnh chín mươi lăm đồng bạc, thời đó mỗi đồng ăn hai franc rưỡi, nhưng rốt cùng đã lâm vào cảnh nợ nần hơn một trăm ngàn franc.

Đám phu xe đang chơi trông thấy tôi liền bật dậy chạy biến vào bóng đêm. Tôi là hiện thân của Âu châu. Âu châu hoạt động như chiếc mũ kepi của cảnh binh Paris cưỡi lạc đà. Tôi làm cử chỉ trấn an họ. Họ lại ngồi xuống và thôi để ý đến tôi. Đám dân Viễn Đông hiểu chuyện thật là nhanh. Họ tiếp tục chơi. Họ chẳng mất mát gì. Tôi không phải sen đầm, cũng chẳng phải quan viên. (còn tiếp)

Nam kỳ ngao du

Sài Gòn, những hình ảnh đầu tiên

Cuộc sống thường nhật của người bản xứ

Ấn tượng Nguyễn An Ninh

Kiều dân và người bản xứ

Người Âu châu tại thuộc địa Sài Gòn

Cảm giác kỳ lạ và đời thường của chợ Sài Gòn

Một chút Âu châu trong lòng Sài Gòn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.