Năm mới 2020 sẽ khó khăn hơn cho doanh nghiệp

Mai Phương
Mai Phương
06/01/2020 14:14 GMT+7

Các chuyên gia kinh tế nhận định năm mới sẽ đầy thách thức cho các doanh nghiệp khi biến động kinh tế thế giới khó lường.

Sáng 6.1, Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020 với chủ đề “Cơ hội tăng tốc và bứt phá” do Ban Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì và Diễn đàn đầu tư Bizlive.vn tổ chức tại TP.HCM.
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - 2020 tiếp tục là năm gian nan, thậm chí khó khăn hơn với doanh nghiệp vì xu thế kinh tế thế giới giảm tốc. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng nhanh, nhưng sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế có vấn đề. Ông Lộc dẫn chứng, tăng trưởng của 2019 cũng như nhiều năm trước, công nghiệp chế biến chế tạo là ngôi sao của nền kinh tế, chiếm hơn 11% nhưng tồn kho của khu vực này rất cao. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh không có lãi hay xuất khẩu của Việt Nam phần lớn ở các thị trường đều sụt giảm, trừ Mỹ; 70% kim ngạch xuất khẩu vẫn thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay 30% GDP của Việt Nam thuộc khu vực hộ kinh tế gia đình, là nhóm lĩnh vực kinh tế còn hoang sơ… Đặc biệt ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, dù chúng ta có cải thiện về môi trường kinh doanh nhưng vẫn còn chưa cao. Môi trường kinh doanh mới đứng thứ 5 trong ASEAN, hành trình như vậy vẫn còn rất xa để vào top 4 như mục tiêu đề ra.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ phân tích, kinh tế Việt Nam thời điểm này so với 5 năm trước đã tốt hơn, những yếu tố từng gây bất ổn kinh tế vĩ mô như ngân hàng từng bị coi là "quả bom nổ chậm" hiện nay đã cực kỳ ổn định. Đối với những vướng mắc ở vấn đề thể chế tuy không tốn nhiều tiền nhưng lại khó làm và ông hy vọng 2020 khá hơn. "Tồn tại lâu nay là một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào nợ, đe dọa cả nền kinh tế. Tôi e ngại nợ quốc gia, tức là nợ ngoại tệ phải trả hằng năm. 5 năm trước gặp nhiều doanh nghiệp kêu thiếu vốn và hiện nay gặp họ vẫn kêu thiếu vốn. Nền kinh tế không thiếu vốn nhưng nghẽn ở chỗ không tiếp cận được vốn. Năm 2020, nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển nhưng vẫn tồn tại những điểm nghẽn và những điểm nghẽn càng để lâu càng khó gỡ. Hy vọng Việt Nam trong 10 năm tới phát triển cao hơn nhưng với điều kiện phải khơi thông được thể chế và nguồn lực", ông Lịch nói.
Nói về năm 2020, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - nhận định sẽ có 4 thách thức chính. Đó là việc xây dựng thể chế cho kinh tế số, ngân hàng số quá chậm, cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như của mỗi doanh nghiệp còn phân tán. Thứ hai là rủi ro bên ngoài ngày càng phức tạp, năm tới sẽ ảnh hưởng tới giá dầu, giá vàng, tỷ giá. Thứ ba là vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng, áp lực trả nợ công và cuối cùng là vấn đề an ninh mạng. Năm 2019, số vụ tấn công mạng đã tăng 104%, trong khi đó, chỉ có 25% doanh nghiệp nói có khả năng nhận biết rủi ro an ninh mạng. Rủi ro tài chính đang đan xen, nhưng chưa có đầu mối chung để phòng ngừa cũng như quản lý và đây là rủi ro hệ thống…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.