Một ngày trong dịp Tết Canh Tý 2020, chúng tôi có dịp trở lại Đền Meiji (Meji Jingu) ở Tokyo, ngôi đền thờ thiên hoàng Minh Trị Meiji-Tenno và Hoàng Thái Hậu Shōken-kōtaigō, để chiêm nghiệm về sự canh tân của nước Nhật cũng như những giá trị truyền thống và để lý giải sự phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn vẹn nguyên tính dân tộc của đất nước mặt trời mọc.
Thích uống rượu vang nhưng vẫn giữ rượu sake
Năm 2020 này Nhật Bản đăng cai tổ chức OlympicTokyo và đây cũng là năm Đền Meiji tròn 100 tuổi. Dù không phải là ngôi đền lâu đời nhưng đây là nơi nhiều người dân Nhật đến viếng nhất vào ngày đầu năm mới.
|
Một trong những điểm đặc biệt của ngôi đền nằm từ ngay lối đi vào. Giữa thủ đô Tokyo hiện đại với nhà cao tầng, khi bước chân vào cổng đền có cảm tưởng như đi vào khu rừng xanh mát. Các loại cây xanh ở đây được cho rằng tập hợp từ khắp nơi ở Nhật Bản, trồng từ những ngày đầu xây đền, tạo một không gian của bạt ngàn cây lá. Chính vì vậy, dù cách không xa khu trung tâm mua sắm sang trọng Omotesando của Tokyo nhưng ngay khi bước chân vào cổng đền, khách viếng sẽ cảm nhận một không khí hoàn toàn khác, mát lạnh với thiên nhiên ngập tràn.
Cổng vào đền uy nghi được làm từ 2 thân gỗ nguyên khối tương truyền trên 1.500 năm. Người Nhật đến viếng trước khi qua cổng đều đứng lại cúi chào. Mọi người vào ra đền chỉ đi dọc hai bên chứ không đi chính giữa vì đường này dành cho các vị thần. Người vào viếng tuyệt nhiên không mang theo lễ vật gì, khi hành lễ họ đứng trước bàn thờ, tung đồng xu (thường là đồng 5 yên, trong tiếng Nhật gọi là "go en"- đồng âm với chữ duyên) vào hòm công đức và chấp tay cúi lạy hai lễ, vỗ tay 2 lần trước khi chấp tay cầu nguyện.
|
Đền thờ thiên hoàng Minh Trị (1852-1912). Ông được xem là vị minh quân có công lớn vì đã canh tân, đưa nước Nhật trở thành một quốc gia hiện đại, thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của các đế quốc phương Tây giữa lúc chủ nghĩa thực dân phát triển mạnh lúc bấy giờ.
Một trong những biểu hiện cho thấy sự canh tân này chính là những thùng rượu vang vùng Bourgogne của Pháp đặt ở bên lối đi vào đền.Tương truyền rằng vua Minh Trị rất thích rượu vang Pháp và loại rượu này luôn được đưa vào đền mỗi khi làm lễ. Tuy nhiên, đối diện phía bên đường lại là một loạt thùng rượu sake trang trí đẹp thu hút khách viếng. Điều này cho thấy tuy học hỏi phương tây, du nhập văn minh phương Tây nhưng người Nhật vẫn giữ gìn nền văn hóa đặc sắc của riêng mình.
Tinh thần ấy bàng bạc trong từng con người Nhật Bản, trong sự phát triển và lớn mạnh của đất nước này cho đến tận ngày nay.
|
Cải tiến chuyện toilet nhưng vẫn giữ trật tự tên họ truyền thống
Nước Nhật hiện đại, điều đó không cần phải bàn cãi. Đây được xem là một đất nước tiên phong trong công nghệ tự động hóa.
Tự động hóa ngay cả từ việc rất nhỏ, rất đời thường của sinh hoạt con người: chuyện toilet. Có lẽ Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu trong sự “canh tân” cái toilet vì mọi thứ đều được “tự động hóa” hết mức. Chúng ta chỉ cần ngồi xuống và đứng dậy, mọi thứ đều đã có máy móc lo.
Nước Nhật cũng nổi tiếng về việc chế tạo robot. Đất nước này có hẳn một chương trình biểu diễn đặc sắc của những robot. Robot gần như hiện diện ở các mặt trong cuộc sống hằng ngày. Và với bao thế hệ người đọc Nhật Bản cũng như Việt Nam, chú mèo máy đến từ tương lai Doraemon là một biểu trưng cho sự hiện đại hóa, “robot hóa” mọi điều trong cuộc sống.
|
Năm 2020 Olympic sẽ diễn ra ở Tokyo và người ta dự đoán rằng đây sẽ là một thế vận hội trình làng những công nghệ hiện đại nhất. Dự kiến sẽ đưa vào sử dụng đại trà xe taxi tự lái, chỉ cần ứng dụng trên điện thoại thông minh, hành khách có thể sử dụng loại xe này.
Ban tổ chức cũng sẽ đưa các robot giúp đỡ và phiên dịch vào hỗ trợ Olympic. Và có thể đây cũng sẽ là kỳ thế vận hội đầu tiên người tham dự làm các thủ tục với công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Đây cũng là một Olympic dự kiến dùng nguồn năng lượng mới và tái chế từ sân vận động, đường phố đến các tấm huy chương và ngọn đuốc Olympic
Hiện đại là thế. Tuy nhiên vào cuối năm 2019, trong một buổi họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono thông báo với các hãng tin nước ngoài rằng từ ngày 1-1-2020, người Nhật Bản cần được gọi tên đúng theo cách của Nhật Bản: họ trước, tên sau, thay vì theo kiểu phương Tây như bấy lâu nay.
|
Hơn 150 năm trước, khi mở cửa với phương Tây, người Nhật đã canh tân không chỉ về kinh tế, quản trị mà cả trong văn hóa. Việc chuyển từ tết ta sang tết dương lịch và viết tên theo lối người phương Tây tên trước, họ sau là 2 minh chứng tiêu biểu cho việc canh tân về văn hóa.
Việc chuyển đổi này cho thấy khi cần thiết, người Nhật vẫn quyết giữ văn hóa của dân tộc.
|
Thoải mái sử dụng dao nĩa nhưng vẫn dùng đũa điêu luyện
Sự đan xen giữa hiện đại và truyền thống cũng như việc phát triển hài hòa giữa hai yếu tố này thể hiện rõ nét trong đời sống hàng ngày ở Nhật Bản. Bên cạnh những khu phố sang trọng bậc nhất hàng thế giới, Nhật vẫn giữ nguyên vẹn những khu vực cổ, mang đậm chất Nhật Bản. Giữa những trùng trùng lớp lớp thời trang mới nhất, người Nhật vẫn thường xuyên mặc Kimono. Tác phong đúng giờ đến từng giây và chính xác đến từng chi tiết nhưng người Nhật vẫn sống rất nhẹ nhàng, giản dị, tử tế như phong cách đất nước của thiền, của trà đạo…
Chính vì những điều này mà có nhận xét rằng người Nhật thoải mái sử dụng dao nĩa khi ăn đồ Tây nhưng vẫn rất điêu luyện với việc dùng đũa.
|
Nhìn hàng người kính cẩn nhưng đầy tự trọng, nhẹ nhàng nhưng rất kỷ luật bước vào Đền Meiji đầu năm càng thấy rõ sự hài hòa này. Có lẽ sự canh tân đúng lúc đi cùng với việc gìn giữ những giá trị truyền thống một cách nghiêm túc cùng sự uyển chuyển, hài hòa giữa yếu tố hiên đại –truyền thống giúp Nhật Bản không chỉ trở thành một đất nước phát triển hàng đầu thế giới mà còn là một dân tộc được kính trọng.
Câu chuyện canh tân của Nhật Bản nhưng vẫn giữ những giá trị truyền thống để cùng phát triển là một bài học kinh nghiệm cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Bình luận (0)