Năm mới với khát vọng vươn xa từ đường cao tốc đi qua Bình Thuận

02/02/2022 18:07 GMT+7

Hơn 46 năm đất nước thống nhất, nhưng giao thông đối ngoại của Bình Thuận vẫn chỉ có tuyến QL1 là chủ lực. Vì thế, các dự án sân bay, đường cao tốc đi qua tỉnh này như một điều kỳ diệu, khát khao được vươn xa.

Bình Thuận hiện có tới 3 dự án đường cao tốc tuyến Bắc-Nam đi qua. Cụ thể, đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua Bình Thuận dài 12 km; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đi qua Bình Thuận với 47,6 km. Như vậy, khi hoàn thành cả 3 dự án cao tốc này thì suốt chiều dài tỉnh Bình Thuận từ Vĩnh Tân (giáp Ninh Thuận) đến xã Tân Đức (giáp Đồng Nai) dài đến 160,4 km.

Thi công cao tốc đoạn qua H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận

QUẾ HÀ

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, đây là tuyến giao thông huyết mạch được ngân sách nhà nước đầu tư lớn nhất ở địa phương này trong suốt hơn 46 năm qua. Không chỉ lớn nhất về quy mô, kinh phí đầu tư mà còn là tuyến đường “lớn” trong chiến lược phát triển giao thông của đất nước đối với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, trong đó có Bình Thuận. Vì vậy, năm qua UBND tỉnh đã tạo điều kiện tốt nhất để các nhà thầu thi công triển khai dự án.

Sẽ không còn những chuyến xe đi TP.HCM mất 7 tiếng đồng hồ

Dẫn chứng về sự tiện ích giao thông, ông Nguyễn Hữu Trung, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Thuận cho biết, khi chưa có cao tốc Long Thành - Dầu Giây, du khách đi từ TP.HCM đến TP.Phan Thiết phải mất 7 tiếng đồng hồ, dù quãng đường chỉ dài 185 km.

Sau khi có cao tốc Long Thành - Dầu Giây thì thời gian di chuyển của du khách đến với thành phố biển Phan Thiết chỉ còn 4 tiếng. Và, nếu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành đưa vào khai thác, du khách từ TP.HCM đến Phan Thiết chỉ còn 2 giờ 30 phút. Với thời gian di chuyển này là một khát khao, mơ ước của người dân Bình Thuận trong nhiều năm qua. Ông Trung cho rằng: "Bao nhiêu năm qua, giao thông đối ngoại là lực cản phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không có sân bay, chưa có cao tốc nên Bình Thuận chưa có những dự án kinh tế xứng tầm với điều kiện về tài nguyên và vị trí địa lý".

Xẻ núi làm đường cao tốc tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

QUẾ HÀ

Ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận, cho biết một du khách muốn đi du lịch Mũi Né, phải bay từ Hà Nội vào sân bay Tân Sơn Nhất, rồi mất mấy tiếng đồng hồ đi ô tô từ TP.HCM đến Mũi Né trong khi chiều dài chỉ 185 km.

“Đây chính là hạn chế về giao thông đối ngoại của Bình Thuận, đồng thời cũng chính là khó khăn của ngành du lịch trong nhiều năm qua. Tôi nghĩ sau khi có sân bay Phan Thiết, đặc biệt là tuyến cao tốc trải dài đấu nối với Đồng Nai và TP.HCM thì những khó khăn này sẽ được tháo gỡ", ông Bình nói.

Cuối năm 2021, UBND tỉnh Bình Thuận đã tháo gỡ cơ bản về tình trạng thiếu vật liệu san lấp làm đường cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết

QUẾ HÀ

Bộ GTVT đang đẩy nhanh tiến độ thi công

Trong những ngày giáp tết vừa qua, PV Thanh Niên có mặt tại gói thầu XL4 (đoạn qua H.Hàm Thuận Bắc) thuộc dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết để ghi nhận không khí thi công trên công trường.

Dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công; đặc biệt là việc thiếu vật liệu đắp nền ở gói thầu này đang căng thẳng. Song, các mũi thi công trên công trường vẫn không quản nắng mưa, ngày đêm khoan núi, phá đá đắp nền đường. Ông Nguyễn Văn Hưng, một quản đốc phân xưởng đá, xay nghiền vật liệu tại gói thầu XL4 cho biết, tận dụng vật liệu tại chỗ, đơn vị của ông chia 3 ca làm cả ngày lẫn đêm nổ mìn, lấy đá xay nghiền phục vụ cho dự án. “Chủ đầu tư đang đốc thúc tiến độ, nên chúng tôi phải tăng cường nhân công, chia ca làm cả đêm cho kịp với khối lượng mà nhà thầu đã ký hợp đồng. Tết này sẽ có bộ phận anh em làm xuyên tết", ông Hưng nói.

Dù ngày tết nhưng nhiều mũi thi công trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vẫn làm việc

QUẾ HÀ

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án giao thông 7 (Ban 7 - Bộ GTVT, chủ đầu tư) cho biết, thời gian qua một số điểm thi công gặp khó khăn về vật liệu đất san lấp nền đường, cho nên tiến độ ở một vài mũi thi công có chậm so với kế hoạch. Nhưng kể từ cuối tháng 11.2021, UBND tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Bộ GTVT giải quyết rốt ráo các vướng mắc về vật liệu nền theo kiến nghị của các nhà thầu thi công, cho nên tiến độ đã được đẩy lên rất nhanh.

Vì vậy, với người dân Bình Thuận, để có đường cao tốc "xuyên tỉnh" và rút ngắn thời gian với TP.HCM một cách nhanh nhất cũng như một khát vọng trong mùa xuân mới năm Nhâm Dần này.

Trao đổi với PV Thanh Niên về các dự án cao tốc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong cho biết, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Bình Thuận với tổng chiều dài hơn 160 km; hệ thống quản lý, khai thác và vận hành theo hướng giao thông thông minh; tốc độ có thể lên đến 120 km/giờ. Tuyến có 7 nút giao liên thông (trung bình khoảng 23km/nút); cho phép các phương tiện được lên xuống đường cao tốc có thể kết nối dễ dàng, thuận tiện với các trung tâm đô thị, các khu du lịch; các cụm công nghiệp và đầu mối giao thông khác. "Chúng tôi cho rằng, khi đưa tuyến cao tốc này vào khai thác sẽ thu hẹp cả “thời gian và không gian” giữa Bình Thuận với cả nước; đặc biệt du khách đi từ TP.HCM đến Bình Thuận chỉ mất hơn 2 giờ. Dự án đường cao tốc là ước mơ bao đời nay của người dân Bình Thuận, là công trình quan trọng, tạo động lực giúp tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mình; thúc đẩy kinh tế, xã hội; đồng thời giảm áp lực giao thông lên tuyến QL1 vốn đang quá tải.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.