Nam sinh đạt thành tích cao bơi lặn quốc tế: Bí quyết vừa học vừa bơi giỏi

16/09/2022 12:08 GMT+7

Dù đang học ngành toán kinh tế tại Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM nhưng nam sinh viên này vẫn nỗ lực đạt thành tích cao tại giải bơi lặn quốc tế 2022.

Tiến Đạt cùng đội tuyển lặn Việt Nam tham dự giải bơi lặn Cúp Thế giới 2022 tại Thái Lan

NVCC

Huy chương vàng Cúp thế giới môn bơi lặn

Nguyễn Tiến Đạt (19 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) có niềm đam mê thể thao, đặc biệt là các môn về bơi lội từ lúc tiểu học và đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong nước và quốc tế. Tính đến nay, nam sinh viên chuyên ngành toán kinh tế chất lượng cao bằng tiếng Anh, Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã theo đuổi con đường vận động viên (VĐV) bơi lặn chuyên nghiệp hơn 6 năm.

“Ban đầu, tôi chỉ tập trung luyện tập thể thao chứ chưa từng nghĩ mình sẽ có cơ hội được tham gia các giải đấu quốc tế. Năm 14 tuổi, lần đầu tiên tôi tham gia giải vô địch Lặn trẻ châu Á 2017 và được 1 HCB, 1 HCĐ. Năm 16 tuổi, cũng tại giải này, tôi giành được 1 HCV, 6 HCB, 1 HCĐ”, Tiến Đạt cho biết.

Trong giải Finswimming's World Cup-Round Swimming Pool 2022 (Giải bơi lặn Cúp Thế giới 2022-Vòng bơi hồ) tại Phuket (Thái Lan) từ ngày 3-4.9, đội tuyển Việt Nam, bao gồm Tiến Đạt, đã đứng nhất toàn đoàn, giành được tổng cộng 26 HCV, 11 HCB và 5 HCĐ. Riêng Tiến Đạt đã đạt được thành tích 1 HCV, cự ly 100 m.

Tiến Đạt chia sẻ: “Đến Thái Lan đúng dịp lễ Quốc khánh 2.9, tôi và đội tuyển rất tự hào khi được đại diện Việt Nam thi đấu thành công trong không khí hân hoan của cả nước”.

VĐV trẻ Nguyễn Tiến Đạt

NVCC

Kể về kỷ niệm đặc biệt trong giải đấu lần này, Tiến Đạt cho biết: “Một HLV người Nhật Bản nói với tôi rằng ông gần như thuộc lòng Quốc ca của nước ta vì bài hát liên tục vang lên khi đội tuyển Việt Nam liên tục giành được nhiều thành tích. Điều này khiến tôi cảm thấy rất tự hào”.

Trước đó, Tiến Đạt từng đạt HCV tại SEA Games 31 ở Hà Nội vào tháng 5. Hiện anh cố gắng tập luyện để chuẩn bị cho Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX vào cuối năm nay.

Nguyễn Tiến Đạt, sinh viên ngành toán kinh tế, vừa đoạt 2 huy chương bộ môn lặn tại SEA Games 31

UEL.EDU.VN

Cách để cân bằng giữa việc học và trở thành VĐV chuyên nghiệp

Là VĐV thi đấu chuyên nghiệp, Tiến Đạt đối mặt nhiều định kiến cho rằng VĐV là một nghề bạc bẽo, sự nghiệp khi qua độ tuổi đôi mươi là xong, không biết làm gì cho tương lai. “Tuy nhiên, định kiến đó không đúng vì trong suốt quá trình luyện tập và nâng cao kiến thức, tôi nhận ra dù mình làm bất cứ việc gì miễn là mình giỏi nhất thì sẽ tạo ra được giá trị. Khi có được giá trị chắc chắn sẽ có được tương lai”, Tiến Đạt khẳng định.

Nam sinh viên cho biết thêm anh vẫn cố gắng cân bằng giữa việc học ĐH và theo đuổi con đường VĐV chuyên nghiệp. Lịch tập luyện của Đạt là bắt đầu vào buổi tối (mỗi buổi 4 giờ) từ thứ hai đến thứ bảy, cùng vài buổi tập thể lực trong tuần.

“Để vừa đảm bảo việc học và thi đấu rất khó, có lúc vì thi đấu mà tôi quên nhiều kiến thức. Năm học THPT, nhà trường đã tạo điều kiện để tôi thi sớm hơn và khi lên ĐH, tôi từng bảo lưu kết quả học tập một học kỳ để tập trung thi đấu cho SEA Games 31 (tháng 5 tại Việt Nam). Sau giải đó, tôi đã học lại các môn ở học kỳ hè”, Tiến Đạt kể.

Tiến Đạt chia sẻ, anh thường tập trung và cố gắng hoàn thành việc học trong buổi sáng, còn lại thì dành cho luyện tập và nghỉ ngơi. Nếu lịch thi đấu có trùng với ngày học, ngày thi quan trọng thì nam sinh viên chủ động xin phép nhà trường. Để tránh mất kiến thức, anh ghi chú bài rất cẩn thận và nhờ bạn học tổng hợp kiến thức giúp mình. Ngoài ra, nam sinh viên thường tìm đến các lớp học trực tuyến để ôn tập lại những bài mình đã bỏ lỡ.

“Tôi sẽ theo đuổi con đường VĐV đến khi nào không thể tiếp tục được nữa. Và tôi cũng rất thích chuyên ngành toán kinh tế mà mình đã chọn, nên tôi cũng có dự định sẽ vừa làm công việc văn phòng và làm HLV thể thao sau này”, Đạt chia sẻ.

Tiến Đạt cho rằng người trẻ nên cân bằng giữa học vấn và thi đấu thể thao

NVCC

Theo Đạt, những người trẻ nếu muốn theo đuổi con đường VĐV thì hãy xác định và cân bằng thật rõ giữa học vấn và thi đấu ngay từ đầu. “Việc phù hợp với con đường đó hay không phụ thuộc khá nhiều vào bản thân mỗi người, họ cần ưu tiên việc nào quan trọng và cảm thấy cần làm hơn vào ở thời điểm này, khi cơ hội đến thì hãy chụp lấy”, Đạt cho hay.

VĐV Đỗ Đình Toàn (25 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), người đồng đội thân thiết của Tiến Đạt, chia sẻ: “Đạt là một VĐV có rất năng nổ, dù những bài tập khắc nghiệt như thế nào cũng có thể hoàn thành tốt. Đạt tự tìm hiểu về kỹ thuật tập luyện của các đối thủ mạnh trên thế giới để học hỏi. Bạn ấy có những đức tính tốt để trở thành nhà vô địch, tôi cảm thấy rất vui khi là đồng đội với Đạt”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.