Từng ở trong căn nhà như… chuồng gà
Căn nhà thấp bé chật hẹp tại khu vực Tân Lợi 2 (P.Tân Hưng, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) là nơi tá túc của 4 người trong gia đình, gồm: bà nội, cha, mẹ và Vinh. Nắng những ngày đầu hè khiến căn nhà nóng như lò sưởi, bởi bốn bề che chắn bằng tôn, chỉ có một cây quạt gió để chữa nóng nhưng chẳng thấm vào đâu.
Giữa cái nóng hầm hập, Vinh vẫn miệt mài bên từng trang sách, mặc cho mồ hôi chảy ròng trên mặt, ướt sũng lưng áo… Nhưng theo Vinh, có chỗ như này để ở và học bài đã là may mắn. "Căn nhà do một hội từ thiện hỗ trợ tiền xây cất khoảng 3 năm nay. Trước đó, gia đình em sống trong túp lều tồi tàn. Mọi người đi ngang nhận xét giống… chuồng gà vì nó có cảm giác như sập tới nơi", Vinh kể.
Nhà Vinh thuộc diện cận nghèo, cha làm phụ hồ, mẹ làm thuê đủ nghề như đan lưới, hái ớt, trồng dưa... Chiếc bàn học hư hỏng đã lâu, gia đình vẫn chưa thể sắm mới cho Vinh. Những ngày này, ngoài áp lực kỳ thi tốt nghiệp THPT, lúc nào Vinh cũng lo lắng tiền đâu để tiếp tục đi học. Gia đình quá nghèo, chạy cơm hằng ngày đã khó, nên ước mơ làm sinh viên của Vinh càng xa vời. Có lẽ vì thế mà mặc dù rất yêu thích ngành Bảo vệ thực vật, song tới nay Vinh vẫn chưa dám nghĩ mình sẽ chọn theo học trường nào.
Mỗi ngày, Vinh đạp xe hơn 5 km đến trường. Em thường nhịn ăn buổi sáng, trưa tranh thủ về nhà nấu cơm ăn cho đỡ tốn kém. Hôm chúng tôi đến nhà Vinh, bữa trưa của em chỉ có cơm trắng và canh. Nói là canh nhưng không có thịt, cá, chỉ là mớ rau đồng luộc rồi nêm muối, bột ngọt cho dễ ăn. Ở nhà, Vinh lo phần cơm nước, chăm lo cho bà vì cha mẹ đi làm xa suốt ngày. Khoảng 13 giờ, chàng trai với gương mặt hốc hác, thân hình "mỏng như lá lúa" lại tiếp tục đến trường. Theo Vinh, sống với cái khổ lâu rồi nên cảnh ăn đong từng ngày riết cũng thành quen.
Khát khao được học tiếp
Vinh tâm sự, nếu có điều kiện học tiếp, em chỉ dám mơ vào trường cao đẳng vì thời gian đào tạo ngắn, học phí thấp hơn đại học. "Gia đình đã rất chật vật để em đi học suốt 12 năm qua. Giờ đây, em rất khao khát được học tiếp. Nếu có cơ hội, em sẽ cố gắng học thật nhanh ra trường để đi làm phụ cha mẹ", Vinh xúc động nói.
Mỗi ngày, vợ chồng bà Nguyễn Thị Lắm (44 tuổi, mẹ Vinh) đều làm lụng mưu sinh, nhưng số phận trớ trêu chẳng lường trước được điều gì. Bệnh tật, thất nghiệp cứ bủa vây khiến gia đình càng thêm nghèo. Vợ chồng bà Lắm không sợ gian nan, nhưng lo sợ tới đây không có tiền cho đứa con duy nhất của mình học tiếp.
"Tôi làm một ngày khoảng 80.000 đồng, chồng thì được 200.000 đồng nhưng rất bấp bênh. Chạy ăn và tiền chi tiêu sinh hoạt rồi thì không còn dư bao nhiêu. Vì vậy, mức học phí đại học cao nên tôi rất sợ không đủ sức lo đường dài. Muốn vay tiền cho con đi học cũng rất khó, vì gia đình đâu có tài sản gì để thế chấp", bà Lắm trải lòng.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Đinh Phú Vinh, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Thới Long (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ), quý độc giả vui lòng gửi về chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: giúp đỡ em Đinh Phú Vinh; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển số tiền của bạn đọc đóng góp đến em Đinh Phú Vinh trong thời gian sớm nhất.
Gần một tháng qua, những bạn bè đồng trang lứa tập trung ôn tập cho kỳ thi quan trọng thì Vinh vẫn còn phân vân trước câu hỏi nên học tiếp hay dừng lại. Đôi lúc câu hỏi đó trở thành nỗi ám ảnh, cứ đan xen vào tâm trí khiến cậu học trò nghèo không thể nào ngủ được.
Bà Lắm kể, Vinh từng tâm sự rất mong muốn vào đại học, nhưng sợ cảnh gia đình phải chạy vạy, mắc nợ. Có hôm, Vinh thao thức cả đêm, buồn bã quay sang hỏi: "Con có nên học tiếp nữa không mẹ? Hay con nghỉ học lúc này đi làm công nhân, có tiền rồi đi học lại sau cho gia đình đỡ khổ". Nghe con hỏi, lòng bà Lắm quặn đau nhưng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.
Theo chị Lê Thị Mỹ Duyên, Bí thư Đoàn trường THPT Thới Long (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ), Vinh hiền hậu, mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng ít biểu lộ ra ngoài. Mãi đến khi Đoàn trường và giáo viên chủ nhiệm đến nhà tìm hiểu thì mới biết em là một trong những tấm gương đầy nghị lực trong học tập. Nhà Vinh rất nghèo, cha mẹ còn nuôi thêm người bà tuổi cao sức yếu. Thời gian qua, Vinh phải kê tập trên góc giường để viết bài nhưng học kỳ vừa rồi em đạt loại khá. Khoảng 1 tháng trước, nhà trường vận động được học bổng 500.000 đồng cho Vinh và em đã dùng để đóng tiền học phí ôn thi.
Bình luận (0)