Nam thanh niên Hà Nội nhập viện cấp cứu sau 5 ngày uống rượu quên ăn

10/08/2019 16:18 GMT+7

Nam thanh niên 33 tuổi ở Hà Nội vừa được đưa đến Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, sau 5 ngày uống rượu triền miên

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết, mới đây, bệnh nhân T.Q.K (33 tuổi, trú tại phương Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng kích thích, nôn nhiều, đau bụng thượng vị. Bệnh nhân háo khát  đòi uống nước liên tục, nhưng uống nước là nôn; bí tiểu phải đặt sonde tiểu, nhưng không có nước tiểu. Bệnh nhân K. đã uống khoảng 10 lít rượu liên tục trong nhiều ngày ngày trước khi nhập viện. 
Tại Khoa Nội tổng hợp của Bệnh viện đa khoa Đức Giang, bệnh nhân được bác sĩ thăm khám và chỉ định làm các xét nghiệm. Kết quả cho thấy, có các chỉ số rất bất thường: nồng độ pH máu là 7,07 (ở người bình thường là 7,45); HCO3- giảm còn 5,8 trong khi đó ở người bình thường là 24; acid lactic lên đến 25,7.
Với các chỉ số xét nghiệm trên, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có thể nguy hiểm tính mạng nê hết sức khẩn trương, tích cực điều trị. Bệnh nhân được bổ sung liên tục dịch truyền (đường, muối, kiềm…), vitamin nhóm B và gửi mẫu máu lên tuyến trên làm xét nghiệm rượu cồn công nghiệp.
Sau 2 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân bắt đầu đỡ kích thích, đỡ khát, giảm nôn và bắt đầu có nước tiểu. Xét nghiệm khí máu đã cho kết quả khả quan hơn.
Sau 4 giờ, tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, đỡ khát nước, hết kích thích, nói chuyện được bình thường, chỉ số pH trở về gần bình thường, chỉ số HCO3 - sau 4 giờ tăng lên 10.
Sau 12 giờ, tình trạng bệnh nhân hoàn toàn ổn định. Kết quả xét nghiệm Methanol (xét nghiệm rượu cồn công nghiệp được các bác sĩ lấy máu gửi mẫu đi xét nghiệm) là âm tính.
Khi đã bình phục hơn, bệnh nhân K. kể lại, cho đến thời điểm nhập viện cấp cứu đã qua 5 ngày uống rượu liên tục không ăn uống gì. Đêm dậy cũng uống rượu rồi ngủ tiếp. Sau khoảng 3 -  4 ngày, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu uống gì cũng nôn ra hết. Đến ngày thứ 5 thì chân tay bắt đầu run, có những lúc không tự chủ được bản thân, nôn ra dịch lẫn dây máu.
Bệnh nhân này cũng cho biết, vừa điều trị chảy máu dạ dày mới khỏi và có tiền sử nghiện rượu. Tuy nhiên, khi được được bác sĩ hỏi sau lần nguy kịch này có thôi uống rượu hay không thì bệnh nhân vẫn khẳng khăng: “Chỉ hạn chế thôi chứ sao bỏ được !”.

Nhiễm toan do rượu

Bác sĩ Trần Thị Oanh, Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện đa khoa Đức Giang), cho biết bệnh nhân uống rượu nhiều sẽ có các triệu chứng như: nôn nhiều, loạn thần, mất nước sẽ dẫn đến suy thận chức năng, rối loạn toan kiềm. Những trường hợp như của bệnh nhân K., cách xử trí nhanh nhất là tích cực truyền dịch, cân bằng toan - kiềm, an thần và tùy theo tình trạng bệnh nhân và các kết quả xét nghiệm máu sẽ có hướng điều trị tiếp theo.
Rượu (ethanol) được chuyển hóa chủ yếu bởi đường alcohol dehydrogenase ở bào tương của tế bào gan. Ở người nghiện rượu, chuyển hóa này góp phần vào quá trình gây nhiễm toan acid lactic và nhiễm toan ceton do ethanol.
Nhiễm toan là tình trạng nồng độ a xít trong dịch cơ thể vượt mức cho phép. Độ a xít của máu được đo bằng cách xác định độ pH. Nồng độ a xít cao có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và thậm chí đe dọa tính mạng.
"Cho đến nay, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh uống rượu với lượng vừa phải tốt cho sức khỏe. Nguy cơ và hậu quả của rượu đến sức khỏe phụ thuộc nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, đặc tính sinh học của từng cá thể mỗi người... Lạm dụng rượu có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng cấp tính và lâu dài", bác sĩ Oanh khuyến cáo .
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.