Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện thông qua tự động hóa

03/10/2018 10:35 GMT+7

Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện là mục tiêu của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của khách hàng.

Trong đó Trung tâm điều hành SCADA điều khiển từ xa hệ thống điện có vai trò rất quan trọng.
Giám sát, điều khiển và vận hành lưới điện của từng khu vực thuộc phạm vi quản lý của bộ phận điều độ tại 21 công ty điện lực trực thuộc EVN SPC. Theo dõi hoạt động vận hành toàn Tổng công ty được thực hiện tại Trung tâm điều khiển chính (Main Control Center) thuộc Trung tâm điều hành SCADA EVN SPC. Tại đây, 2 kỹ sư (ca trực) theo dõi khoảng chục màn hình hiển thị toàn bộ thông số vận hành của hơn 200 trạm biến áp (TBA) 110 kV trên địa bàn 21 tỉnh, thành do EVN SPC quản lý.
Giám sát “sức khỏe” hệ thống điện
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Bảo trì - Trung tâm điều hành SCADA, cho biết thông qua các phần mềm của hệ thống SCADA và viễn thông, chỉ cần 2 kỹ sư trực đã có thể giám sát theo thời gian “trạng thái sức khỏe” của hệ thống lưới điện tại các TBA không người trực với các tiêu chí cơ bản, điện áp, dòng điện, công suất, trạng thái thiết bị, tín hiệu cảnh báo… từ đó có giải pháp điều hành một cách ổn định, hợp lý nhất.
So với trước đây, tình trạng các thông số vượt ngưỡng không còn xảy ra, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và giảm tổn thất điện năng. Không những theo dõi điều hành hệ thống điện, 2 kỹ sư này còn theo dõi toàn bộ hệ thống mạng viễn thông để phục vụ hệ thống SCADA như mạng SDH, mạng IP network, giám sát từng thiết bị viễn thông trên phần mềm để điều hành các đơn vị xử lý khi có sự cố mất kết nối từ TBA về Trung tâm điều hành SCADA như đứt cáp quang, hư hỏng thiết bị viễn thông…
EVN SPC đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2018 có 100% TBA 110 kV vận hành theo chế độ không người trực vận hành (chỉ còn lực lượng bảo vệ và phòng cháy chữa cháy) và đến năm 2020 có 100% TBA vận hành theo chế độ không người trực. Đặc biệt, EVN SPC cũng hướng tới mục tiêu đến năm 2020 sẽ kết nối điều khiển xa hơn 90% các thiết bị đóng cắt và thiết bị chỉ thị sự cố trên lưới điện trung thế; kết nối dữ liệu các điện kế điện tử đọc từ xa của các TBA phân phối, khách hàng chuyên dùng và ranh giới giữa các đơn vị để và khai thác các chức năng trên hệ thống SCADA…
Theo ông Dũng, khi có sự cố hoặc có thông số vận hành vượt ngưỡng sẽ có tín hiệu cảnh báo trên màn hình (màu sắc, âm thanh). Lúc này, điều độ viên đương ca tại các trung tâm điều khiển sẽ nhanh chóng xác định vị trí sự cố hoặc điều chỉnh các thông số vận hành để xử lý kịp thời, chính xác.
Xử lý kịp thời, đảm bảo nguồn điện liên tục
Ông Dũng cho biết trước đây khi xảy ra sự cố, điều hành viên tại TBA phải gọi điện lên phòng điều độ của các công ty điện lực trực thuộc và Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam (A2) theo phân cấp, báo cáo xin chỉ thị, hoặc ngược lại. Khi điều độ của các công ty điện lực trực muốn nắm bắt thông tin bên dưới cũng phải gọi đến từng TBA.
Việc này mất rất nhiều thời gian trao đổi qua lại, thậm chí khi phát hiện sự cố do khách hàng phản ánh, nhân viên kỹ thuật phải dò tìm thủ công để xác định nguyên nhân, khoanh vùng sự cố...
Còn hiện nay, các kỹ sư tại phòng điều độ cũng như ca trực vận hành tại Trung tâm điều hành SCADA nắm bắt rất chính xác sự cố xảy ra ở đâu, từ đó có phương án xử lý kịp thời, giảm thời gian xử lý sự cố, sớm khoanh vùng cô lập sự cố và tái lập cấp điện trở lại cho khách hàng, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục, tin cậy và kinh tế.
Việc tự động hóa lưới điện cũng góp phần tăng năng suất lao động, giảm số lao động trực vận hành trạm; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh do phát hiện và xử lý kịp thời sự cố cũng như thao tác chuyển đổi lưới nhanh, giảm sản lượng điện không cung cấp được, tăng điện thương phẩm, tăng doanh thu bán điện...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.