Nâng chất lượng nhà trọ

12/07/2022 05:15 GMT+7

Nhiều khảo sát cho thấy người di cư đến TP.HCM có nhu cầu thuê nhà ở hơn, một mặt họ không có đủ tích lũy để sở hữu nhà, mặt khác, họ cần chỗ ở để ổn định làm việc và có mong muốn về quê sinh sống, đất đai ở quê giải quyết nhu cầu chỗ ở lâu dài của họ.

Vì lẽ đó, vừa qua, Công đoàn TP.HCM trong buổi tiếp xúc cử tri với nữ công nhân( CN) - lao động của HĐND TP.HCM đã kiến nghị các chính sách nhà ở cho CN phải tính đến giá, đối tượng và xây dựng nhà cho thuê. Vì nó vẫn là giải pháp căn cơ, cốt lõi, dễ giải quyết hơn mua nhà ở xã hội.

Một khu trọ tại TP.Thủ Đức, TP.HCM

LÊ TRỌNG

Không thể phủ nhận chính sách phát triển nhà ở của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030 là nỗ lực lớn của địa phương trong quy hoạch đô thị, nhất là để đầu tư cơ sở hạ tầng, hướng đến dân nghèo, thu nhập thấp.

Tuy nhiên, UBND TP.HCM cũng nhìn nhận trong việc phát triển các loại hình nhà ở trên địa bàn, phân khúc nhà ở cho thuê thiếu hụt nguồn cung, mất cân đối cung cầu, hệ lụy là một số nhà không đảm bảo tiêu chuẩn cho thuê, chật hẹp... Dịch Covid-19 vừa qua cũng thấy được tính thiếu an toàn của nhiều khu trọ.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện thành phố có 600.000 phòng trọ, giải quyết vấn đề nhà ở cho 1,8 triệu CN - lao động, trong đó khoảng 900.000 CN lưu trú thuê trọ gần các khu chế xuất - khu công nghiệp. Có 90% nhà trọ đáp ứng diện tích tối thiểu (không thấp hơn 5 m2/người), tuy vậy 30% nhà trọ chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm, cứu nạn. TP.HCM dự kiến dành 100 tỉ đồng để hỗ trợ các chủ nhà trọ cải tạo, khắc phục hạn chế.

Vấn đề sẽ còn thảo luận trong thời gian tới chính là giá cả của nhà trọ trước tình hình lạm phát, sửa sang; các dự án xây nhà lưu trú cho CN; các thiết chế dịch vụ, phúc lợi, về y tế, trường học quanh khu trọ... Áp lực có thể sẽ đè nặng trên vai nhà nước, do vậy cần xã hội hóa, cần chung tay của doanh nghiệp trong công tác đầu tư, quản lý và xây dựng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.