Ngày 29,6, BHXH Việt Nam cho biết, thực hiện Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ), trong thời gian qua, toàn ngành tập trung nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp nhận và xác nhận sớm nhất việc tham gia BHXH bắt buộc của NLĐ thuộc diện được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng.
Ngành BHXH đã xác nhận hồ sơ cho hơn 1,2 triệu người lao động thuộc diện được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ |
T.N |
Trên cơ sở danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà do người sử dụng lao động gửi đến, cơ quan BHXH xác nhận các trường hợp NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà để xác minh đối tượng được hỗ trợ.
Sau 3 tháng, đến nay, ngành BHXH đã xác nhận cho hơn 1,2 triệu lao động trên cả nước. Trong đó, 1.145.966 lao động thuộc 20.570 đơn vị tại 54 địa phương có tham gia BHXH bắt buộc được hỗ trợ ở mức 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng.
Đối với NLĐ quay trở lại thị trường lao động, ngành BHXH đã xác nhận cho 4.919 đơn vị với 56.746 lao động tại 44 địa phương. Trong đó, 54.894 lao động có tham gia BHXH bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà được hỗ trợ ở mức 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng.
Sau khi cơ quan BHXH xác nhận, hồ sơ sẽ được chuyển về cho doanh nghiệp để gửi tiếp đến UBND cấp quận, huyện thẩm định và UBND cấp tỉnh phê duyệt, chi tiền hỗ trợ.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, khoảng 3,4 triệu lao động được nhận gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ với tổng số tiền dự kiến là 6.600 tỉ đồng. Ngày 15.8 là hạn cuối cùng để cấp quận, huyện tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có hơn 1,2 triệu lao động được đề nghị hỗ trợ, chậm hơn so với tiến độ đề ra.
Thứ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hà cho biết, việc giải ngân chậm trễ do nhiều nơi phát sinh thủ tục, một số doanh nghiệp sợ lao động trục lợi nên tự ý đòi giấy tạm trú, hợp đồng thuê nhà, trong khi thủ tục chỉ cần đơn theo mẫu có xác nhận thuê trọ của chủ nhà, không yêu cầu giấy tờ gì khác.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có số lao động làm gộp hồ sơ một lần cho 2, 3 tháng nên huyện nhận được rất ít đề xuất. Cán bộ địa phương cũng lúng túng trong hướng dẫn doanh nghiệp; một số tỉnh chưa bố trí kịp ngân sách nên phải chờ T.Ư phân bổ kinh phí...
Cuối tháng 5, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu tăng cường hỗ trợ người lao động. Bộ cũng gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thành vào tháng 8 nhằm hỗ trợ NLĐ tháo gỡ khó khăn, phục hồi, ổn định sản xuất và đảm bảo chuỗi cung ứng lao động.
Bình luận (0)