Nâng lương cho giáo viên, rồi sao nữa?

24/11/2017 10:55 GMT+7

Với cái nhìn của một người trong cuộc, tôi thấy rằng, việc cải cách tiền lương là cần thiết, dù đã khá muộn mằn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đó vẫn chưa phải là gốc rễ để chấn hưng giáo dục nước nhà.

Thông tin về việc sắp sửa thay đổi chính sách tiền lương cho giáo viên trong Dự thảo sửa đổi một số vấn đề của luật Giáo dục theo hướng chú trọng nâng cao đời sống của thầy cô giáo mà Bộ Giáo dục đang triển khai là một tín hiệu vui cho toàn Ngành, toàn xã hội. Theo đó, “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.
Những nỗ lực cải cách tiền lương, phụ cấp cho giáo viên chứng tỏ rằng, các nhà hoạch định chính sách không phải không nhìn thấy thực tế bất cập trong thu nhập, đời sống của đội ngũ giáo viên hiện nay. Câu chuyện “giáo viên sống được bằng lương” chưa bao giờ thôi xuất hiện trên các mặt báo với những lo âu nặng trĩu, như một nan đề toán học chưa có đáp án. Với cái nhìn của một người trong cuộc, tôi thấy rằng, việc cải cách tiền lương là cần thiết, dù đã khá muộn mằn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đó vẫn chưa phải là gốc rễ để chấn hưng giáo dục nước nhà. Bởi vì, trong thực tế, nhiều năm qua, dù thu nhập thấp, đời sống thiếu ổn định, chúng tôi, những giáo viên đứng lớp cũng không vì thế mà sao nhãng với bảng đen phấn trắng. Khi lương được nâng, cao hơn một chút, chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình, tất nhiên, trong tâm thế thoải mái hơn. Tiền bạc là cần thiết, nhưng chưa bao giờ là thước đo tâm huyết của nhà giáo với nghề nghiệp.
Việc nâng lương theo chính sách mới, ước tính cho thêm thu nhập bình quân chừng 1 triệu đồng/tháng đối với một giáo viên, đời sống của thầy cô đỡ chật vật hơn. Tốt lắm, nhưng chưa đủ, để chấn hưng cả nền giáo dục quốc gia, cần những chính sách vĩ mô dài hơi từ Chính phủ.
Nói dễ hiểu, làm sao để xã hội phải coi trọng tri thức, xem tri thức là thước đo giá trị của con người, thì lúc đó, người đem lại tri thức cho xã hội – giáo viên – mới được coi trọng. Muốn vậy, thì phải có cơ chế trọng dụng người có năng lực, giỏi giang, chứ không phải chạy theo bằng cấp hoặc đồng tiền. Lúc đó, vị thế của người thầy mới được nâng cao, chất lượng giáo dục mới thay đổi.
Ngoài việc “sống được bằng lương”, người thầy còn cần được đánh giá đúng vai trò, vị trí trong xã hội, chứ không đơn thuần là một “công nhân trong ngành giáo dục” cần thoát nghèo, cần đủ ăn đủ mặc.
Nói xong rồi nhìn lại thực trạng: Ngành sư phạm đang đìu hiu vì thiếu sinh viên; các ngành nghề khác như công an, quân đội thu hút thí sinh với điểm cao chót vót; trong khi hàng ngàn tỉ đồng đang được phân bổ để đào tạo hàng vạn tiến sĩ trong một môi trường bội thực về bằng cấp; du học nước ngoài vẫn là lựa chọn của nhà giàu và là ước mơ của đa số người nghèo còn lại…
Đó, vẫn là những bất cập chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.