Nắng nóng gay gắt, trẻ hay chảy máu cam có nguy hiểm không?

Thiên Lan
Thiên Lan
16/04/2023 00:06 GMT+7

Chảy máu cam là triệu chứng phổ biến ở trẻ nhỏ từ 2 - 10 tuổi. Trẻ bị chảy máu cam khi trời nóng thường không nguy hiểm và có thể khắc phục tại nhà, nhưng nếu bé bị chảy máu cam thường xuyên thì các bậc cha mẹ nên đưa con đi khám.


Nguyên nhân gây chảy máu cam 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu cam ở trẻ, nhưng về cơ bản đa phần là do màng mạch ở vách ngăn mũi gặp tổn thương. Chảy máu cam thường do mũi bị khô và do trẻ dụi, ngoáy khi mũi bị nghẹt hoặc ngứa. Một số trẻ xì mũi mạnh cũng có thể gây chảy máu, theo trang tin về sức khỏe HealthFeed (Đại học UTAH, Mỹ).

Nắng nóng gay gắt, trẻ hay chảy máu cam: Có nguy hiểm không, nên làm gì? - Ảnh 1.

Chảy máu cam là triệu chứng phổ biến ở trẻ nhỏ từ 2 - 10 tuổi

Shutterstock

Làm thế nào để cầm máu

Cho trẻ ngồi, nghiêng người về phía trước và nếu có máu chảy xuống cổ họng từ phía sau mũi, hãy nhổ ra. Dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bóp chặt vào cánh mũi trong 10 phút. Tiếp tục ấn thêm khoảng 10 phút nữa, ngay cả khi máu đã ngừng chảy. Cho trẻ thở bằng miệng. Sau 10 phút, nếu chưa cầm máu, có thể nhét miếng gạc có tẩm vaseline vào lỗ mũi chảy máu và bóp chặt mũi lại trong 10 phút nữa. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy, cần đưa bé đi khám ngay, chú ý tiếp tục ấn mũi trẻ trong thời gian chờ bác sĩ.

Sai lầm khi điều trị chảy máu cam

Một số sai lầm phổ biến khi điều trị chảy máu cam là đắp nước lạnh lên trán, sống mũi, sau gáy vì những cách này không giúp ngừng chảy máu.

Nắng nóng gay gắt, trẻ hay chảy máu cam: Có nguy hiểm không, nên làm gì? - Ảnh 2.

Ngoáy mũi là thói quen khiến mạch máu ở mũi bị tổn thương và chảy máu

Shutterstock

Phòng chảy máu cam

Có thể thoa vaseline hay nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ nhằm giúp duy trì độ ẩm cho mũi. Thường xuyên làm vệ sinh mũi và khuyên trẻ không nên ngoáy mũi. Tăng độ ẩm bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm. Mùa nóng, nên cho bé ăn nhiều rau, hoa quả, để tăng cường vitamin C, nhắc bé uống đủ nước để tránh bị nóng và khô niêm mạc. Giữ trẻ tránh xa khói thuốc.

Nếu trẻ bị chảy máu không ngừng sau 30 phút ấn trực tiếp vào mũi, hoặc xảy ra hơn 4 lần một tuần, hãy cho trẻ đi khám, theo HealthFeed.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.