Nắng nóng, lại phập phồng lo hóa đơn tiền điện tăng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
02/03/2024 07:08 GMT+7

Với tình trạng nắng nóng kéo dài từ Tết Nguyên đán đến nay, nhiều người dân khu vực miền Nam lo ngại hóa đơn tiền điện sẽ tăng ngay tháng sau kỳ nghỉ.

NẮNG NÓNG ĐẾN SỚM 1 THÁNG

Đến hôm qua 1.3, nhiều hộ gia đình khu vực phía nam vẫn chưa nhận được hóa đơn tiền điện tháng 2. Tuy vậy, khảo sát từ các hộ đã có cho thấy tổng lượng điện năng tiêu thụ trong tháng của nhiều hộ vẫn chưa tăng do nghỉ tết dài ngày.

Chị Nam Bình (ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết hóa đơn tiền điện của gia đình chị tháng 1 là hơn 1,6 triệu đồng, sang tháng 2 mới thanh toán tự động sáng qua là gần 1,2 triệu đồng do gia đình có 8 ngày rời TP.HCM về quê dịp Tết Nguyên đán. Tương tự, hộ gia đình bà Thái Thanh Lan (ở Q.Tân Bình, TP.HCM) tiền điện tháng 2 chỉ có 379.000 đồng so với 645.000 đồng của tháng 1 "nhờ" đi vắng 14 ngày dịp tết.

Nắng nóng, lại phập phồng lo hóa đơn tiền điện tăng- Ảnh 1.

Ngành điện khuyến cáo người dân đẩy mạnh việc tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả trong mùa nắng nóng

H.H

Tuy vậy, nếu so 10 ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (18 - 28.2) với 10 ngày sau kỳ nghỉ tết các năm trước, khi nhịp sống trở lại bình thường, nhiều người cho hay lượng điện trong gia đình tăng so với trước.

Chị Diệu Lê (ngụ H.Thủ Thừa, Long An) nhẩm tính trong những ngày nắng nóng, lượng điện tiêu thụ trong nhà tăng 10 - 12%. Hộ gia đình bà Huỳnh Hải Âu (ở Tiền Giang) cũng cho biết hóa đơn tiền điện trong tháng 2 không tăng, nhưng những ngày nắng nóng khiến lượng điện dùng trong nhà tăng hơn 8%...

Biểu đồ thống kê sản lượng điện tiêu thụ theo ngày của TP.HCM trên trang web của Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho thấy khi nhiệt độ trung bình tăng thì sản lượng điện tiêu thụ cũng tăng, thậm chí có ngày tăng vọt hơn 12% so với ngày trước.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC, chia sẻ lượng điện tiêu thụ của tháng 2.2024 so với tháng 2.2023 là tương đương, mức như vậy là bình thường. Tuy nhiên, sẽ là không bình thường khi tháng 2 năm nay có đến nửa tháng rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của cả nước. Thường dịp nghỉ tết, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh giảm, người dân đi chơi nhiều hơn, không ở nhà nên lượng điện dùng sẽ giảm. Trong khi đó, việc các chỉ số tiêu thụ điện hết tháng 2 này vẫn tăng là đáng lưu ý.

"Có 2 lý do khiến tiêu thụ điện tại TP.HCM và miền Nam tăng ngay sau tết. Đó là do thời tiết nắng nóng đến quá sớm. Năm ngoái, đến ngày 10.3.2023 nắng nóng mới gay gắt, nhưng năm nay nóng từ ngày 10.2. Nhiệt độ trong mấy ngày tới được dự báo từ 36,5 - 37 độ C. Thứ hai, dịp tết cổ truyền năm nay, người dân ở lại TP.HCM ăn tết cũng đông hơn năm trước. Sau tết, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều vào nhịp ngay nên sản lượng điện tiêu thụ trên toàn thành phố theo đó cũng tăng mạnh. Ước tính những ngày nắng nóng sau tết, lượng điện tiêu thụ bình quân mỗi ngày tăng 10% so với thời điểm sau tết mọi năm", ông Bùi Trung Kiên cho biết.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình trạng khô hạn có thể kéo dài trong các tháng mùa khô của năm nay tại khu vực Nam bộ. Cao điểm mùa khô diễn ra từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5. Trong khi đó, nắng nóng lại xuất hiện khá sớm từ cuối tháng 1. Đáng lưu ý, trung tâm dự báo thời kỳ nắng nóng tại khu vực phía nam có thể kéo dài hơn trung bình nhiều năm.

ĐẨY MẠNH TIẾT KIỆM ĐIỆN

Thời tiết khô hạn, nắng nóng được dự báo đến sớm và sẽ kéo dài, thế nên ngành điện năm nay khá chủ động trong kế hoạch cung ứng điện cho mùa khô tới. Ngày 27.2 vừa qua, Bộ Công thương cho biết đã có văn bản gửi đến các địa phương, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) nhằm phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất năm 2024 với thông điệp "Tiết kiệm điện - thành thói quen", thực hiện tắt đèn trong vòng một giờ từ 20 giờ 30 - 21 giờ 30 thứ bảy ngày 23.3 tới. Bộ cũng đề nghị các hoạt động hưởng ứng Giờ trái đất cần lồng ghép với chương trình tiết kiệm điện của địa phương theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.

Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất 2023 (ngày 25.3.2023), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 298.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 555,6 triệu đồng). Trên fanpage của EVNHCMC cũng có những câu khẩu hiệu kêu gọi tiết kiệm điện ngay từ đầu mùa nóng khá đơn giản, dễ nhớ và được cập nhật mỗi ngày, chẳng hạn: "Mùa nắng nóng đến rồi, hãy cùng EVNHCMC tiết kiệm điện để mọi nơi đều có điện để sử dụng". Song song đó là thông tin về chỉ số nhiệt độ nắng nóng tại TP: "Nhiệt độ đầu tuần dao động từ 29 - 31 độ C. Nồi cơm điện cũng tốn điện khi ở chế độ giữ ấm, hãy rút phích cắm khi không dùng để tiết kiệm điện năng"; "Tiết kiệm điện - chìa khóa giúp bạn nhẹ gánh chi tiêu"; "Nhiệt độ hôm nay lên 35 độ rồi, để ti vi ở chế độ chờ cũng tốn điện đấy, tắt hẳn khi không dùng nhé!"…

Lấy thông điệp "Tiết kiệm điện - thành thói quen", EVNHCMC khuyến cáo khách hàng có thể thay đổi vài thói quen sinh hoạt tưởng chừng đơn giản nhưng hiệu quả giúp tiết kiệm điện rất lớn. Cụ thể, hạn chế sử dụng nhiệt độ điều hòa ở chế độ quá thấp; sử dụng các vật liệu cách nhiệt cho nhà cửa; tận dụng ánh sáng tự nhiên thay cho đèn điện; tắm bằng nước mát hoặc nước ấm thay cho nước nóng. Bằng việc thay đổi thói quen nhỏ thường nhật, đại diện ngành điện TP.HCM nhấn mạnh, mỗi cá nhân có thể góp phần tiết kiệm điện năng, giảm thiểu tác động môi trường và tiết kiệm điện cho bản thân lẫn gia đình. Với doanh nghiệp, ông Bùi Trung Kiên lưu ý cần tránh quá tải hệ thống vào những giờ cao điểm.

"Để đường truyền tải hoạt động ổn định ngày cao điểm, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp đồng hành cùng ngành điện để đánh giá hệ thống điện nhằm sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm; dịch chuyển nhu cầu dùng điện vào giờ thấp điểm và có dự báo cho sát nhu cầu dùng điện. Như vậy, doanh nghiệp sẽ giảm được tiền điện, ngành điện thì cung cấp điện được an toàn hơn", ông nói.

Đại diện EVN thông tin để khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tập đoàn đã chỉ đạo các tổng công ty, công ty điện lực làm việc với các nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, thương mại dịch vụ và sản xuất công nghiệp nhằm tư vấn sử dụng điện hiệu quả. Đặc biệt, thực hiện các cam kết tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, các đơn vị đã ký kết được 300.000 khách hàng, cam kết tiết kiệm hơn 1,3 tỉ kWh. Với các gia đình, nếu mỗi hộ chỉ cần tiết kiệm 1% lượng điện dùng trong năm thì toàn bộ khách hàng sử dụng điện sinh hoạt hằng năm có thể tiết kiệm được gần 1 tỉ kWh điện, tương ứng với sản lượng điện của một nhà máy thủy điện có công suất 250 MW.

Tiết kiệm điện không có nghĩa là tắt đi, nhịn dùng điện mà phải biết sử dụng một cách thông minh bằng thiết bị thông minh. Làm thế nào để cùng khối lượng công việc, nhưng tiêu hao điện năng thấp nhất có thể. Chung quy tiết kiệm điện là tiết kiệm được nguồn lực quốc gia. Trong khó khăn, ý thức tiết kiệm năng lượng cần được đẩy mạnh hơn nữa.

TS Nguyễn Dáo (Trường ĐH Tôn Đức Thắng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.