Tại hội thảo “Tăng năng lực cạnh tranh bằng năng suất lao động” do Công ty giải pháp nhân lực Le & Associates (L&A) tổ chức ở TP.HCM, L&A đã công bố một số dữ liệu quan trọng liên quan đến năng suất lao động do đơn vị này tổng hợp từ nhiều nguồn, trong đó có Tổ chức Lao động thế giới và trực tiếp khảo sát.
Theo đó, năng suất lao động trung bình của người VN hiện đứng gần như chót nếu so với các nước trong khu vực châu Á, chỉ hơn các nước Bangladesh,
Campuchia, Nepal. Mức lương cơ bản của VN cũng đang ở vị trí... gần “đội sổ”. Hiện thu nhập trung bình của lao động VN dưới ngưỡng 6.000 USD/năm, “chung sân” với các nước
Campuchia, Lào và Nepal. Sân trên với ngưỡng từ 6.000 - 24.000 USD/năm hiện có các quốc gia: Thái Lan, Mông Cổ, Trung Quốc, Philippines,
Indonesia. Còn Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore từ 24.000 - 96.000 USD/năm. Chuyên gia tư vấn chiến lược Trần Sĩ Chương nhận định: “Nếu so sánh một sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, không thể nói năng suất lao động của sinh viên tốt nghiệp tại VN chỉ bằng 1/18 năng suất lao động sinh viên ra trường của Singapore được. Vấn đề ở đây là xuất phát điểm về thu nhập của lao động chúng ta quá thấp, không tạo động lực để nguồn nhân lực đó phát triển như kỳ vọng”.
Trước đó, ngày 24.6, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cũng tổ chức hội thảo "Chiến lược nhân tài và hội nhập tại TP.HCM". Thông tin tại hội thảo cho thấy, trong năm 2014, tỷ lệ lao động chuyển đổi công việc của các công ty VN là 17,1%, cao hơn nhiều so với doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 12,2%. Đặc biệt, giữa hai khối này cũng có sự thay đổi lớn về nhân sự thuộc cấp quản lý, DN FDI là 9,8%, DN trong nước là 15%. Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch BSA, một trong những điểm hạn chế của DN VN và làm giảm khả năng hội nhập chính là luôn tách rời chiến lược phát triển kinh doanh với chính sách phát triển nhân sự.
Bình luận (0)