Nắng về trên những rẻo cao - Truyện ngắn dự thi của Lê Y Pha (TP.HCM)

09/06/2024 08:30 GMT+7

Mưa liên miên không dứt. Mưa vùng cao nặng hạt như tiếng vỗ tay lộp độp trên những mái tôn thủng lỗ chỗ. Tâm thong thả ăn cơm sau một ngày làm việc mệt nhọc.

Vừa ăn cơm, Tâm vừa đưa mắt để ý đến cái xô nhựa hứng nước mưa từ những chỗ dột trên mái nhà trút xuống. Sấm sét bỗng nhiên rền vang, ánh chớp trắng lóa như muốn xé toang bầu trời. Tia phản quang hắt thẳng vào ô cửa chưa kịp khóa. Tâm toan đứng dậy khóa cửa, một bóng đen lao vút vào nhà. Từng giọt nước từ thân gã rỉ rả rớt xuống nền nhà. Mồm há to thở dốc, tay lăm le con dao sáng loáng chĩa về phía Tâm.

IMG_20240608_115521.jpg

MINH HỌA: TUẤN ANH

"Anh muốn gì? Tôi chẳng có của cải gì trong nhà đâu!". Tâm run rẩy, cố trấn tĩnh hỏi gã đàn ông.

Gã chẳng thèm trả lời, liếc ngang thấy mâm cơm đang ăn dở. Gã sà xuống ăn ngấu nghiến, gắp lia lịa cả con cá khô sặc cho hẳn vào mồm. Tâm lùi người về phía bức tường góc nhà, im lặng quan sát gã, người vẫn không ngừng run lẩy bẩy.

"Giơ tay lên. Đứng im. Anh đã bị bắt". Bóng áo xanh thoăn thoắt ập vào nhà, chĩa súng về phía gã đàn ông. Hai bóng áo xanh khác theo sát phía sau. Bị tập kích bất ngờ, gã đứng bất động, con dao trên bàn rơi xuống nền kêu choang choảng. Một viên cảnh sát tiến lên khóa còng vào tay gã giải đi. Tâm ngồi phịch xuống nền nhà, chưa kịp lấy lại hồn vía trước sự việc vừa xảy ra.

"Đây là tên đã đào tẩu trong vụ vận chuyển hàng cấm chúng tôi truy lùng mấy tuần nay. Chúng tôi đã nhờ làng thông báo liên tục trên loa, bà con phải đóng cửa nẻo cẩn thận trong thời gian này. Sao cô lại để cửa nhà lỏng lẻo như vậy vào đêm tối? Cô không nghe thông báo hả?". Huy nóng giận, quắc mắt chất vấn Tâm. Huy tính lên lớp thêm cho Tâm một trận vì cái tính bất cẩn đã đẩy cô vào tình thế nguy hiểm. Nhưng nhìn cô gái như chú mèo con lạc mẹ, sững sờ ngồi dưới nền nhà, Huy không nỡ trách mắng, anh dịu giọng: "Cô khóa cửa cẩn thận rồi đi ngủ đi. Nhớ chú ý nghe những thông báo quan trọng hằng ngày".

***

Trên đường về đồn, Huy mới kịp hoàn hồn. Nếu Huy và đồng đội không đến kịp, thì Tâm… Nhớ lại gương mặt, ánh mắt cô lúc nhìn thấy anh, ánh lên sự tin tưởng, yên tâm, dù chỉ thoáng qua nhanh, giống như lần đầu họ gặp nhau, Huy bất giác mỉm cười, ký ức về ngày đầu gặp nhau vẫn còn nguyên như ngày hôm qua.

Vào một ngày mưa tầm tã, đất bùn hòa vào nhau nhão nhoét. Chú xe ôm từ chối chở cô gái nhỏ lên núi vì đường núi có thể bị sạt lở, lại thêm trời sắp tối. Tâm đành mang ba lô hành lý lên vai, buộc chặt dây thun áo mưa vào cổ, vào tay, thay đôi dép bằng đôi ủng cao su và tự mình leo núi đến điểm trường. Leo được một đoạn đường, bỗng nghe tiếng còi xe máy phía sau: "Cô đến điểm trường Tà Lu hả?". Tâm ngước nhìn người đàn ông vừa lên tiếng, dưới lớp áo mưa cánh dơi đã sờn màu là bộ cảnh phục, cô mới yên tâm, đáp lời: "Sao anh biết tôi đến đó?".

"Tôi sống ở đây đủ lâu để nhận ra cô không phải người làng và nhìn cô càng không giống dân buôn hay thồ hàng lên núi bán. Mà lên núi trong thời tiết thế này thì chắc chỉ có giáo viên trẻ mới được điều động về thôi. Cô lên xe đi, tôi chở cô đến trường, đi bộ thì biết bao giờ mới tới nơi". Huy cười nhếch môi, vỗ vào yên xe, ra hiệu cho Tâm. Câu chuyện của họ chỉ dừng lại ở đó, vì thời tiết càng lúc càng xấu, Huy bặm môi, tập trung lái xe.

***

Sáng nay, bầu trời quang đãng. Những tia nắng mỏng mảnh rải vàng ươm trên những luống rau, mái ngói và nhảy nhót thành vô vàn đốm tròn to nhỏ trên bàn ghế lớp học. Chị Thương và Hiền gần như đến trường cùng lúc sau mấy ngày cuối tuần về thăm nhà dưới xuôi. Chị Thương xách đủ thứ túi nhỏ to quà quê í ới gọi Tâm. Chị Thương đã dạy ở điểm trường này gần năm năm, Tâm và Hiền thì về trường cùng lúc mà thấm thoắt cũng đã gần ba năm. Xã Tà Lu là một trong những xã miền núi còn nhiều khó khăn, phần lớn là người dân tộc Cơ Tu sinh sống. Ngôi trường chỉ vỏn vẹn bốn phòng, trong đó dành một phòng để các cô giáo làm phòng sinh hoạt. Ba cô giáo chia nhau dạy hai buổi sáng chiều từ lớp 1 đến lớp 5. Những buổi tối họ tranh thủ vào buôn làng dạy chữ cho bà con dân tộc. Người dân làng tuy nghèo khổ nhưng rất kính trọng các cô giáo, thường xuyên biếu các cô lúc thì đọt măng, bó rau rừng hoặc con gà rừng để các cô cải thiện bữa ăn. Chị Thương ngước nhìn bầu trời, chép miệng lo lắng, sau những đợt mưa lũ kéo dài, học trò thường bỏ lớp. Các cô lại phải đến từng nhà động viên các em đến trường trở lại.

Dạy xong tiết cuối buổi chiều, Tâm tranh thủ đến nhà A Rất, thằng bé đã nghỉ học cả tuần nay. Từ điểm trường đến nhà A Rất phải băng qua một con suối và một cánh đồng lớn. Vừa đến đầu cổng nhà A Rất, Tâm đã nghe thấy tiếng tranh cãi qua lại giữa bố A Rất và hai người đàn ông. Khi thấy bố A Rất chuẩn bị điểm chỉ vào tờ giấy trên bàn, Tâm vội chạy lại giật lấy tờ giấy. "Đây là khế ước chấp nhận bán đất giá rẻ". Bố A Rất sửng sốt nhìn hai người đàn ông và Tâm. Tâm trừng mắt về phía hai người đàn ông: "Các anh lợi dụng người dân làng không biết chữ để lừa họ bán đất với giá gần như cho không. Tôi sẽ gọi công an đến xử lý vụ này". Thấy Tâm nhấc điện thoại, hai gã đàn ông chửi thề vài câu và quày quả lên xe máy phóng đi. Tâm lại gần A Rất đang đứng trong bóng tối của căn nhà xập xệ, đưa tay bế đứa bé chưa đầy một tuổi trên tay thằng bé. Cô lựa lời, khuyên bảo bố A Rất: "Anh đã thấy hậu quả của việc không biết chữ rồi chứ? Anh hãy cho thằng bé đến trường, có học hành thì tương lai mới thay đổi".

"Thằng bé đi học thì không có ai giữ đứa nhỏ, lo cơm nước, nhà cửa để tôi đi làm xa. Muốn học hành thì phải no bụng đã chứ cô giáo". Bố A Rất giọng trầm buồn, cúi gằm xuống bàn. Dường như ông không dám nhìn vào đôi mắt tràn đầy sự thất vọng, buồn bã của đứa con trai. Tâm khẽ xoa đầu đứa bé nhỏ trên tay, con bé mở đôi mắt tròn xoe nhìn Tâm, môi mủm mỉm cười. Nhìn hoàn cảnh người đàn ông đơn chiếc, vợ qua đời khi vừa sinh đứa thứ hai, nhà cửa tuềnh toàng, hai đứa nhỏ lấm lem, Tâm dậy lòng thương cảm. Nếu A Rất nghỉ học thì số phận nó sẽ chẳng khác gì bố nó, rồi cả cô bé con trên tay Tâm, đời nó sẽ đi về đâu. Tâm khẽ gọi A Rất lại gần, đưa trả đứa bé lại cho thằng bé. Cô cúi xuống, quyết liệt nhìn A Rất: "Em là một học trò sáng dạ, đừng bỏ học! Ngày mai, em hãy cõng em gái cùng đến trường. Cô sẽ nhờ cô Hiền trông em gái giúp trong lúc em học".

Tâm ra về, lòng bao trăn trở. Dẫu thế, đôi mắt cô vẫn ánh lên sự quyết liệt như lúc nhìn A Rất. Tâm quyết tâm đẩy nhanh thực hiện một kế hoạch đã ấp ủ từ lâu.

***

Dịp cuối tháng về nhà dưới xuôi, Tâm tranh thủ hẹn Ly, cô bạn nhà báo đi cà phê và bàn công việc. Tâm và Ly học chung lớp đại học sư phạm, ra trường Ly rẽ hướng làm nhà báo và bén duyên hẳn với nghề. Hai cô bạn thân lâu ngày gặp nhau, thủ thỉ trò chuyện quên cả thời gian. Ly chăm chú nghe Tâm trình bày dự án và vui vẻ nhận lời hỗ trợ. Dự án "Đưa em đến trường" ra đời. Vốn đang công tác tại một tờ báo có uy tín, Ly viết bài, tận dụng các mối quan hệ, kết nối để truyền thông dự án rộng rãi. Ly và đội ngũ còn đầu tư làm một phóng sự về cuộc sống của học trò vùng cao. Dự án gây được tiếng vang đúng như kỳ vọng. Các nhà hảo tâm liên tục liên hệ để hỗ trợ sách vở, nhu yếu phẩm, lương thực hằng tháng đến điểm trường.

Huy huy động lực lượng tới giúp dựng một chái bếp để các cô giáo và học trò cùng nấu ăn sau mỗi giờ học. Những luống rau củ cũng được các chú công an đào xới mở rộng thêm. Huy dựng một chuồng gà nhỏ, thả vào đó chục con gà giống. Bữa ăn của học trò vùng cao được cải thiện hơn. Dẫu là mỗi bữa chỉ thêm canh mì gói, ít thịt cá, đậu phộng rang nhưng những cái miệng xinh yêu vẫn háo hức ăn thật ngon. Từ lúc điểm trường có nấu bữa ăn bán trú, học trò đến trường đều đặn hẳn. Khi những chiếc xe tải đỗ xịch trước cổng trường mỗi đầu tháng, cô trò lại hào hứng cùng chạy ra phụ khiêng những thùng mì, nhu yếu phẩm vào trường. Một cánh tay rắn rỏi đỡ giúp những thùng mì trên tay khi Tâm đang chới với. Là Huy. Từ ngày cùng hỗ trợ nhau làm dự án, họ như xích lại gần nhau hơn. Có một đêm Tâm bị sốt cao, phòng lại hết thuốc, chị Thương gọi điện nhờ Huy. Chỉ trong phút chốc, Huy đã gõ cửa, mang đầy đủ thuốc men đến. Thi thoảng, có những bó trang rừng được ai đó vô tình cài trước phòng nghỉ của Tâm. Nghĩ đến đó, gò má Tâm đột nhiên ửng hồng như vừa uống một hơi rượu cần.

***

Một buổi tối, Tâm đang ngồi soạn giáo án. Hiền từ sân chạy vào vui mừng thông báo tháng sau sẽ được chuyển về trường dưới xuôi. Chị Thương đang ngồi vá lại chiếc áo, dừng mũi kim ngẩng lên. Phải rồi, đã sắp hết hạn ba năm thuyên chuyển. Các cô phải được chuyển công tác về gần nhà đặng còn lấy chồng, chứ ở trên này thành bà cô già mất. Chị Thương đùa dí dỏm: "Em chắc cũng sắp nhận giấy báo chuyển công tác, Tâm nhỉ?". Tâm không trả lời chị Thương, ngồi lặng lẽ. Mấy lần về thăm nhà, bố mẹ đều ngỏ ý sẽ cậy nhờ chỗ quen xin chuyển Tâm về gần nhà. Con gái rượu một thân một mình ở nơi rừng núi hẻo lánh khiến bố mẹ Tâm chẳng yên lòng. Tâm mãi chần chừ, khất lần cho đến khi sắp hết hạn thuyên chuyển. "Sao chị Thương không xin chuyển về dưới xuôi?". "Cũng phải có người ở lại dạy dỗ bọn nhỏ chứ?", chị Thương cười hiền hậu.

Sáng sớm, bố A Rất đến trường, tay xách hai con ngan. Bố A Rất đến cảm ơn các cô giáo đã quan tâm, chăm sóc hai đứa nhỏ khi anh đi làm xa. Chuyến này bố A Rất lặn lội xuống thị trấn Prao để học hỏi cách làm du lịch sinh thái. Anh dự định sẽ cùng bà con Tà Lư phát triển làng nghề truyền thống dệt vải thổ cẩm và làm gốm. Phải thay đổi tư duy, tìm cách làm giàu trên chính quê hương mình. Trước khi chia tay, chị Thương nhắc bố A Rất nhớ đến lớp học chữ buổi tối. Gương mặt luôn cương nghị, thô ráp của người đàn ông lấp lánh ánh cười. Chẳng hiểu sao, đôi má chị Thương khẽ len lỏi sắc hồng dưới những vệt nắng ban mai.

***

Nắng đã hanh vàng trên những thửa ruộng bậc thang. Nắng uốn lượn theo những suối đèo khúc khuỷu. Nắng nhảy lốm đốm vệt tròn giữa những tán lá xanh mướt. Nắng tô điểm sắc trắng trong trẻo trên những dặm hoa đỗ quyên rừng. Trên những núi đồi, lấp ló những bóng người mặc thổ cẩm sặc sỡ, đeo gùi chuẩn bị lên nương rẫy. Tâm muốn thu tất thảy những khung cảnh thân thuộc này vào ký ức. Tâm nhìn xuống bóng lưng vạm vỡ của người cầm lái phía trước. Hôm nay, Huy dường như kiệm lời hơn. Khi đến chân núi, Tâm chủ động đưa tay bắt tay Huy như thay lời cảm ơn về những sự giúp đỡ thầm lặng của anh trong thời gian cô công tác tại nơi này. Huy tặng Tâm một chậu hoa trang rừng nhỏ vàng ươm sắc nắng.

***

Cô gái nhỏ háo hức nhìn cảnh núi đồi quen thuộc lướt qua ô cửa xe buýt. Đi ngang khoảnh rừng và tắm mình trong sắc vàng cam của những đóa trang rừng đang độ sung mãn, lòng Tâm dạt dào mến yêu. Tâm đã trở lại Tà Lu. Lần này, Tâm kiên định muốn gắn bó với nơi này. Những ánh mắt thơ trẻ đang chờ Tâm. Và, lời hứa sẽ trồng một vườn hoa tại điểm trường đang chờ Tâm quay lại để thực hiện. Tâm mường tượng sẽ thức dậy mỗi sáng, chạy ngay ra vườn để ngắm những đóa trang rừng còn đọng tinh sương.

Tà Lu đang vào mùa nắng. Sắc hoa, sắc nắng đang tràn về trên những rẻo cao.

Chan trang (màu).jpg

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.