NASA công bố Chương trình Artemis vào năm 2017 nhằm thiết lập sự hiện diện lâu dài trên mặt trăng và dùng đó làm bàn đạp để tiến lên sao Hỏa. Sứ mệnh đầu tiên của Artemis là chuyến bay thử nghiệm không người lên mặt trăng và trở lại, được thực hiện vào năm 2022 sau nhiều lần trì hoãn.
Sau sứ mệnh đó, tấm chắn nhiệt của tàu vũ trụ Orion bị nứt và ăn mòn theo những cách không mong muốn, và cũng có vấn đề với hệ thống điện và hỗ trợ sự sống trên tàu.
Những vấn đề trên đã khiến toàn bộ lịch trình của chương trình Artemis bị dời lại. AFP dẫn lời các quan chức NASA ngày 5.12 cho biết sứ mệnh Artemis 2, chuyến bay có người bay ngang qua mặt trăng, được lên lịch diễn ra vào tháng 9.2025 sẽ bị hoãn sang tháng 4.2026. Tiếp đó, sứ mệnh Artemis 3, dự kiến đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên đặt chân lên cực nam của mặt trăng bằng phi thuyền Starship của SpaceX bị đẩy lùi sang giữa năm 2027.
"Mốc đó vẫn sớm hơn nhiều so với ý định đã công bố của chính quyền Trung Quốc", Giám đốc NASA Bill Nelson nói về kế hoạch đưa người lên mặt trăng vào năm 2030 của Trung Quốc. "Sự an toàn của các phi hành gia là trên hết. Chúng tôi sẽ không bay cho đến khi chúng tôi sẵn sàng", ông Nelson nói thêm.
Nước có ở khắp nơi trên mặt trăng?
Trước mắt, còn nhiều việc NASA cần giải quyết để có thể thực hiện các kế hoạch nói trên. Phi thuyền Starship dù đã được thử nghiệm vài lần nhưng vẫn gặp vấn đề. Bộ đồ phi hành gia do Axiom phát triển cũng đang trong quá trình hoàn thiện.
Chương trình Artemis được thành lập trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump, đại diện cho nỗ lực đưa con người trở lại mặt trăng lần đầu tiên từ sứ mệnh Apollo 17 năm 1972.
Tổng thống đắc cử Trump mới đây đề cử cựu phi hành gia - tỉ phú Jared Isaacman làm lãnh đạo kế tiếp của NASA, gợi ý sự thay đổi đối với ngành không gian vũ trụ trong nhiệm kỳ 2. Chương trình Artemis ước tính tiêu tốn 93 tỉ USD đến hết năm 2025.
Bình luận (0)