NATO rà soát lại chiến lược trong trạng thái 'bình thường mới'

24/03/2022 09:30 GMT+7

Vài giờ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, 5 tàu chiến Đức tiến đến Latvia nhằm bảo vệ khu vực dễ bị tổn thương nhất ở sườn phía đông NATO . Hành động quân sự của Nga tại Ukraine đã khiến liên minh NATO phải làm quen với điều mà Tổng thư ký Jens Stoltenberg gọi là trạng thái “bình thường mới” .

Điều tương tự đã từng xảy ra trong quá khứ. NATO ra đời năm 1949 nhằm đối đầu với Liên Xô cũ.

Giờ đây, một “bức màn sắt” mới có thể xuất hiện tại châu Âu. NATO cần đảm bảo các nước thành viên không cảm thấy "bị bỏ rơi" trước điều mà khối này xem là mối đe dọa từ Nga.

Từ những năm 1990, NATO đã mở rộng về phía đông, kết nạp thêm các nước Baltic từng thuộc Liên Xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia, nơi binh sĩ Pháp được triển khai hồi tuần trước. Hành động này của NATO, cũng như lời hứa sẽ cho phép Ukraine và Georgia gia nhập, bị Nga xem là mối đe dọa lớn đối với an ninh của mình.

Các nước Baltic nối với các thành viên khác của NATO qua một hành lang trên bộ. Hành lang này lại nằm giữa lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga và Belarus, đồng minh của Moscow.

Tàu chiến NATO tham gia tập trận rà phá bom mìn tại Latvia

reuters

Vì vậy, Latvia vừa tập trận rà phá bom mìn với mục tiêu là giữ cho đường thủy thông thoáng và thể hiện sức mạnh.

Chỉ huy Hải quân Đức Terje Schmitt-Eliassen, phát biểu trên tàu Elbe ở cảng Riga: “Chúng tôi có 12 đơn vị từ 6 quốc gia, và mục tiêu chính là chứng tỏ sự hiện diện ở đông Baltic”.

Nếu NATO và Nga đối đầu trực tiếp, rất có khả năng sẽ dẫn đến xung đột toàn cầu. Một cựu chỉ huy NATO nói với Reuters khối quân sự này đang cân nhắc xem chiến lược răn đe có còn phù hợp trong tình hình mới không.

Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis đòi hỏi nhiều hơn từ NATO: "Chúng tôi tin rằng các nước Baltic cần chuyển từ trạng thái răn đe sang hiện diện quân sự thường trực và điều đó phải đến từ sự lên kế hoạch của ban lãnh đạo NATO. Họ sẽ phải bắt đầu xem tình hình khu vực bằng cách tiếp cận khác với những gì đã làm trong suốt hai thập niên qua".

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, các đồng minh NATO đã triển khai 5 tàu sân bay tại vùng biển châu Âu, tăng cường số lượng chiến đấu cơ ở không phận NATO và tăng số lượng đơn vị chiến đấu ở các nước Baltic và Ba Lan lên hơn gấp 2 lần. NATO cũng phải đối mặt với việc quay lại chiến tranh cơ giới hóa và chi tiêu quốc phòng tăng nhanh.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine gây "cú sốc điện" cho NATO
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.