NATO ra sức san bằng trở ngại cho Phần Lan, Thụy Điển gia nhập
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto xác nhận rằng Phần Lan sẽ nộp đơn gia nhập NATO, trong khi các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển đã thông báo về một sự thay đổi chính sách chính thức có thể mở đường cho việc Stockholm xin gia nhập NATO trong những ngày tới.
Tự động phát
Nếu Thụy Điển không gia nhập NATO, đây sẽ là nước Bắc Âu duy nhất không thuộc khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Các quốc gia Bắc Âu khác như Na Uy, Đan Mạch và Iceland đã tham gia NATO với tư cách là thành viên sáng lập.
Phần Lan và Thụy Điển muốn được đảm bảo rằng các quốc gia thành viên NATO sẽ bảo vệ họ trong khi quá trình nộp đơn đang được tiến hành.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tham gia cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock qua video ngày 15.5 |
reuters |
Tổng thống Niinisto đã có cuộc nói chuyện với Tổng thống Putin và cho biết trong đó không có bất kỳ mối đe dọa nào, mặc dù Moscow liên tục cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng" nếu hai nước này gia nhập NATO.
Việc phê chuẩn có thể mất 1 năm vì cần có sự phê chuẩn của quốc hội của tất cả 30 quốc gia NATO. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết có thể đạt được thỏa thuận cho giai đoạn chuyển tiếp.
Ông nói: "Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh quá trình này càng sớm càng tốt. Nhiều thành viên NATO đã tuyên bố rằng họ sẽ tìm thấy cách đẩy nhanh tiến độ, chẳng hạn như Đức nói rằng việc này có thể diễn ra khá nhanh. Chúng tôi sẽ tìm cách để đảm bảo an ninh, bao gồm tăng cường sự hiện diện của NATO trong khu vực, trong khu vực Baltic và xung quanh Phần Lan và Thụy Điển".
Trong khi nhiều quốc gia thành viên như Anh, Đức và Mỹ đang thể hiện sự ủng hộ thì Thổ Nhĩ Kỳ chưa mặn mà. Những ngày gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây bất ngờ cho các đồng minh khi nói rằng nước này dè dặt về tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển do 2 nước này ủng hộ các nhóm chiến binh người Kurd.
Hôm 15.5, trong một cuộc họp với các ngoại trưởng ở Berlin, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết để Ankara ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập thì 2 nước Bắc Âu này phải ngừng hỗ trợ các tay súng người Kurd, cũng như dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc gặp trên có vẻ đầy hứa hẹn vì Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các cuộc đàm phán với những người đồng cấp Thụy Điển và Phần Lan là hữu ích.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng lặp lại những đánh giá trên: "Tôi không muốn mô tả chi tiết cuộc nói chuyện với các ngoại trưởng, nhưng tôi có thể nói rằng tôi đã nghe thấy gần như toàn thể hội đồng đều ủng hộ (Phần Lan, Thụy Điển) tham gia liên minh nếu họ lựa chọn tham gia vào NATO. Và tôi tin rằng chúng tôi sẽ đạt được sự đồng thuận về điều đó".
Một khi đã được các thành viên NATO xem xét và những điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ được giải quyết, quyết định chấp thuận có thể được ra sau vài tuần.
Bình luận (0)