Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hoan nghênh kế hoạch phòng thủ chống Nga mới là "kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh".
Tài liệu dày 4.400 trang nói trên nêu chi tiết việc bảo vệ các vị trí quan trọng trong trường hợp "khẩn cấp" và liệt kê một cuộc tấn công tiềm năng của Nga là một trong những mối đe dọa lớn nhất, theo Đài RT tối 13.7 dẫn lại thông tin từ báo Bild của Đức.
NATO sẽ làm gì trong kế hoạch phòng thủ chống Nga mới?
Hai "mối đe dọa chính"
Tài liệu đề cập đến hai "mối đe dọa chính – Nga và chủ nghĩa khủng bố", đồng thời cáo buộc Nga là "mối đe dọa lớn nhất và trực tiếp nhất đối với an ninh của các đồng minh cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương", theo Bild.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã kêu gọi đất nước của ông và các thành viên NATO khác "tự trang bị vũ khí để chống lại mối đe dọa đối với lãnh thổ của chúng ta", theo Bild. Kế hoạch mới cũng liệt kê các khả năng quân sự mà các thành viên của khối phải thể hiện, bao gồm cả thành viên mới Phần Lan và ứng viên Thụy Điển.
Tài liệu được cho là còn tuyên bố rằng một nước Nga "bạo lực" và "theo chủ nghĩa xét lại" có khả năng tấn công lãnh thổ NATO. "Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi thực sự có thể đối mặt với tình huống kích hoạt Điều 5 một lần nữa, trong đó một phần lãnh thổ của NATO đang bị tấn công trực tiếp", theo một quan chức NATO nói với hãng thông tấn dpa của Đức.
Tổng thống Biden: NATO sẽ không dao động trong cam kết với Ukraine
Điều 5 của hiệp ước NATO quy định "một cuộc tấn công chống lại một hay một số thành viên đều bị xem là cuộc tấn công chống lại toàn bộ liên minh". Điều 5 mới chỉ được viện dẫn một lần duy nhất, nhằm đáp trả lại cuộc tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 tại Mỹ.
Tăng cường các lực lượng
Để chống lại "mối đe dọa từ Nga", NATO có kế hoạch tăng ồ ạt Lực lượng Phản ứng (NRF) từ 40.000 quân hiện tại lên hơn 300.000, bao gồm các đơn vị trên bộ, trên biển và trên không, cũng như Lực lượng Đặc nhiệm được triển khai nhanh chóng.
NATO cũng có kế hoạch tăng đáng kể sản xuất và dự trữ vũ khí. Tuyên bố của NATO cho biết chiến lược mới bao gồm "Kế hoạch hành động sản xuất quốc phòng mới nhằm đẩy nhanh hoạt động mua sắm chung, tăng cường năng lực sản xuất và nâng cao khả năng tương tác của các đồng minh".
Cũng theo Bild, NATO sẽ tìm cách xây dựng "lực lượng hạng nặng" được trang bị thiết giáp, đồng thời triển khai thêm các hệ thống pháo và tên lửa tầm xa, cũng như các hệ thống phòng không.
NATO cũng có kế hoạch tăng cường khả năng mà họ gọi là "các biện pháp răn đe" bằng cách gửi thêm lực lượng tới vùng Baltic và Đông Âu. Các nhóm chiến đấu bao gồm 1.000 binh sĩ sẽ hỗ trợ quân đội quốc gia của các nước vùng Baltic và Ba Lan, theo Bild trích dẫn tài liệu mới.
Anh sẽ chịu trách nhiệm đối với Estonia, Canada đối với Latvia, Đức đối với Lithuania và Mỹ đối với Ba Lan. Berlin cũng có kế hoạch đồn trú một lữ đoàn gồm 4.000 binh sĩ ở Lithuania, theo Bild.
"Tương lai của Ukraine là trong NATO", nhưng chưa rõ điều kiện
Đức cũng được cho là sẽ đóng vai trò là trung tâm hậu cần của NATO trong trường hợp xảy ra xung đột lớn. NATO cũng đang xem xét thành lập Bộ chỉ huy trên bộ thứ hai, ngoài cơ sở hiện có ở thành phố Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ. Thành phố Wiesbaden ở Đức đang được xem là một địa điểm tiềm năng vì nơi đây đã có một căn cứ quân sự lớn của Mỹ, theo Bild.
Phản ứng của Nga
Trong khi đó, Hãng tin TASS hôm nay 14.7 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nhấn mạnh rằng việc phân tích kết quả của Hội nghị thượng đỉnh NATO mới nhất dẫn đến kết luận là Nga cần hoàn thành các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tăng cường lực lượng vũ trang và phát triển quan hệ với các đồng minh.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh NATO, diễn ra tại thủ đô Vilnius (Lithuania) từ ngày 11-12.7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay các đồng minh tái khẳng định Ukraine sẽ trở thành thành viên.
Cựu Tổng thống Nga nói viện trợ của NATO cho Ukraine khiến Thế chiến 3 đến gần
Ông Grushko nói rằng việc Ukraine gia nhập NATO sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc đối với liên minh này và các thành viên của khối hoàn toàn nhận thức được điều đó. Moscow từng lập luận rằng việc ngăn cản Ukraine gia nhập NATO là một trong những lý do chính khiến Nga phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng vào ngày 24.2.2022, theo RT.
Thứ trưởng Ngoại giao Grushko còn nhấn mạnh Nga có sẵn nhiều loại vũ khí để đảm bảo an ninh cho đất nước. Nga đã nhiều lần tuyên bố xem việc NATO tăng cường lực lượng ở biên giới của mình cũng như sự mở rộng của khối này về phía đông là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Bình luận (0)