Nấu chè đãi khách

11/12/2012 09:49 GMT+7

Bánh mứt là những món ngọt rất quen thuộc trong ngày Tết và bạn thường mua sẵn vì không quen làm, hãy tranh thủ kỳ nghỉ lễ trổ tài làm các món chè đơn giản để thay đổi khẩu vị cho cả nhà và mời khách nhé. Nhà hàng Ngon giới thiệu những món chè giàu giá trị văn hóa mang hương vị 3 miền.

Bánh mứt là những món ngọt rất quen thuộc trong ngày Tết và bạn thường mua sẵn vì không quen làm, hãy tranh thủ kỳ nghỉ lễ trổ tài làm các món chè đơn giản để thay đổi khẩu vị cho cả nhà và mời khách nhé. Nhà hàng Ngon giới thiệu những món chè giàu giá trị văn hóa mang hương vị 3 miền.

Chè long nhãn

Nhãn thường ngọt theo mùa vì vậy người ta thường sấy khô bảo quản nhãn để dùng quanh năm. Chè long nhãn có tác dụng giải nhiệt hiệu quả và cách làm khá đơn giản. Khi chọn nhãn khô nên chọn loại không bị sâu, mốc, ngửi còn thơm mùi ngọt đặc trưng. Người Huế thường chọn nhãn tươi bọc hạt sen chế biến thành món chè giúp trị mất ngủ rất tốt cho người già. Để làm món chè long nhãn từ nhãn khô bạn rửa sạch long nhãn rồi ngâm trong nước cho đến khi nở. Vớt nhãn ra, lấy nước đã ngâm long nhãn cho đường phèn vào đun sôi. Cho tiếp nhãn vào đợi sôi lại rồi tắt bếp. Dùng lạnh.

Nấu chè đãi khách

Chè bưởi

Là món ăn mang hương vị miền Tây. Khác với múi bưởi có vị chua thanh, cùi bưởi không vị nhưng làm nên món chè ngọt ngào, cắn nghe sần sật, thơm lừng. Bưởi thường chín rộ vào tháng 8 âm lịch nhưng ngày nay do sự phát triển của ngành nông nghiệp nên bưởi có mặt ở chợ quanh năm. Hơn nữa, thời gian bảo quản bưởi rất dài, từ lúc hái đến 1 tháng sau vẫn còn dùng được, vì vậy, bạn có thể làm món chè này quanh năm. Nên chọn bưởi non vừa bởi nếu quả già thì cho cùi xơ mà quả non thì cùi đắng. Cách thực hiện món chè đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn của người làm. Đầu tiên là nhồi bưởi, gọt bưởi lấy phần trắng của vỏ, cắt sợi rồi nhồi với muối trong 5 phút. Xay nước lá dứa, trộn với vỏ bưởi cho có màu xanh đẹp. Trộn tiếp bột mì vào. Luộc vào nồi nước đang sôi, vớt ra. Đậu xanh hấp chín. Đậu tây, đậu trứng cút và nấm mèo rửa sạch. Nấu sôi đường phèn và đợi cho sánh lại, cho hỗn hợp trên vào. Đợi sôi lại và nhắc xuống. Chè bưởi dùng nóng.

Nấu chè đãi khách

Sương sa hột lựu

Chỉ cái tên là cho thấy đây là món chè của người miền Nam, thích kết hợp nhiều nguyên liệu giàu màu sắc. Đây là món chè rất mát và ngon miệng do nguyên liệu sương sa được làm từ rong biển, hạt lựu làm từ củ năng, và những thứ khác hòa quyện với vị béo của nước cốt dừa cho cảm giác vui miệng. Nguyên liệu gồm đậu xanh đánh, sương sáo, sương sa và bánh lọt. Củ năng xắt nhỏ làm hột lựu. Nước đường nấu sôi cho hỗn hợp trên vào, cho tiếp bột năng đã pha với lá dứa vào, đun sôi lại. Dùng lạnh với nước cốt dừa.

Nấu chè đãi khách

Chè bắp

Hạt bắp dẻo và thơm với lượng đường và tinh bột dồi dào không những mang đến những món ăn giàu dinh dưỡng mà còn có thể chế biến thành món chè ngon. Ăn chè bắp nóng trong khí trời se lạnh thì không gì thú vị bằng, đặc biệt khi ngồi hàn thuyên với người thân và bạn bè. Đây là món chè được cả 3 miền ưa chuộng. Người miền Trung thường cho vào một ít gừng cho ấm bụng, người miền Nam thì chan lên một ít nước cốt dừa để món chè thêm ngậy. Để làm món chè bắp bạn không nên tách hạt rời khỏi cùi mà để nguyên trái bắp rồi từ từ bào hạt từ trên xuống. Cho nếp vào nấu mềm, đợi nếp nở vừa rồi cho bắp vào. Cho tiếp nước lá dứa vào. Sôi thêm 20 phút thì tắt bếp. Dùng nóng.

Nấu chè đãi khách

Chè trôi nước

Ngày Tết trên bàn thờ tổ tiên luôn có món chè trôi nước, gửi gắm lời ước nguyện một năm mới tròn đầy và đậm đà. Đây là món chè có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng du nhập vào Việt Nam từ ngày xưa nên trong thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương đã có sự liên tưởng thú vị giữa người phụ nữ với viên chè trôi nước. Từ hạt nếp thân quen, người ta xay nhuyễn rồi nhồi một cách kỳ công cho tới khi phần bột dẻo và không còn dính lên mâm. Nhân bánh được làm từ đậu xanh nấu nhuyễn, vo tròn rồi bọc bột nếp làm áo. Hạt to hạt nhỏ màu trắng đục khi kết hợp với vài lát gừng và nước đường sánh vàng tạo nên hình ảnh đẹp và viên mãn.

 

Nấu chè đãi khách

Bánh chuối và bánh đúc mật

Nấu chè đãi khách

Cũng có nguồn gốc từ chè nhưng bạn có thể đổi cách chế biến để tạo ra các món bánh đẹp mắt nhé. Hai món này đều xuất xứ từ miền Nam nơi thường đưa các vị ngọt béo vào thực đơn hàng ngày. Đề làm món bánh chuối hấp bạn chọn chuối sứ chín vừa, xắt lát. Bột mì và bột năng trộn đều với đường cát. Tất cả trộn đều lần nữa rồi đem hấp trong 20 phút. Khi dùng thì xắt lát trải trên lá chuối. Bánh đúc mật (ảnh) cũng thực hiện đơn giản tương tự. Bột gạo đem ngâm rồi xay. Pha với nước rồi khuấy đều, gạn nước trong, cho lá dứa vào lược qua lần nữa. Cho lên bếp đun nhỏ lửa cho đặc lại. Để nguội dùng với nước dừa, mè và đường mật.

 

Bài: Kiến Văn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.