Như Thanh Niên thông tin, Sở Nội vụ TP.HCM tiếp tục có tờ trình gửi Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM về xin chủ trương định hướng sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn theo quy định của T.Ư. Hiện tại, TP.HCM đang duy trì mô hình 2 cấp dưới phường, xã: dưới phường là khu phố, dưới khu phố là tổ dân phố; dưới xã là ấp, dưới ấp là tổ nhân dân, khác với quy định của T.Ư và các địa phương khác. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay Ban Thường vụ Thành ủy đã cho ý kiến về đề án này, định hướng khi sắp xếp lại thì chỉ còn 1 cấp là khu phố - ấp.
Bà Phạm Ngọc Thúy, Tổ trưởng Tổ dân phố 31A (KP.3, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), thăm hỏi người ở trọ sau dịch Covid-19 vào tháng 10.2021 |
VŨ PHƯỢNG |
Theo Sở Nội vụ TP.HCM, mô hình tổ chức tự quản 2 cấp dưới phường, xã được xây dựng từ năm 1985 và tồn tại đến nay. Hiện TP.HCM có 27.377 tổ chức dưới phường, gồm 2.008 khu phố - ấp và 25.369 tổ dân phố - tổ nhân dân, với tổng nhân sự gần 64.300 người. Với mô hình hiện tại, số lượng nhân sự sẽ không ngừng tăng lên khi dân số tăng, cùng với điều kiện chia tách, thành lập mới đơn giản.
Sở Nội vụ TP.HCM cũng chỉ ra bất cập khi số lượng dân cư các khu phố, ấp không đồng đều, có khu phố trên 4.000 hộ, địa bàn rộng dẫn đến khó khăn trong nắm tình hình. Người tham gia hoạt động khu phố, ấp phần đông là cán bộ nghỉ hưu, có tâm huyết nhưng tuổi cao, sức yếu nên còn hạn chế trong tổ chức hoạt động.
Mặt khác, tình trạng “hành chính hóa” hoạt động của khu phố - ấp diễn ra nhiều, không đúng quyền hạn dẫn đến quá tải công việc, kinh phí hoạt động bị chia nhỏ và không tương xứng với thời gian, công sức hoạt động. Chưa kể, việc duy trì mô hình 2 cấp còn dẫn đến tình trạng ỷ lại lẫn nhau.
Lạc hậu, không còn phù hợp
Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên ủng hộ việc bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân vì không còn phù hợp với thực tế phát triển hiện nay. “Bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân là đúng. Tinh giảm được bao nhiêu thì tinh giảm bấy nhiêu thôi. Bộ máy hành chính công quá cồng kềnh nên cần phải thay đổi”, BĐ Ngọc Đạt nêu quan điểm.
Tương tự, BĐ Yen The ý kiến: “Nên bỏ tổ dân phố, có tổ chỉ 25 hộ cũng lập một tổ, hằng năm không họp một lần, không truyền đạt các chủ trương của cấp ủy Đảng, chính sách của các cấp chính quyền tới người dân. Nên tinh giảm để có điều kiện tập trung cho tổ chức khu phố có điều kiện hơn, chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với thực tế hơn”.
Còn BĐ B.Đ viết: “Hiện nay công nghệ hiện đại, nên ứng dựng tốt để quản lý và điều hành dân cư. Hình thức tổ dân phố là biểu hiện của sự lạc hậu và cũ kỹ. Chưa kể còn gây phiền hà cho cư dân. Nên bỏ là hợp lý”.
Cần nghiên cứu kỹ
Bên cạnh BĐ ủng hộ thì cũng có nhiều ý kiến còn băn khoăn và đề nghị TP.HCM nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện. “Đây là một vấn đề lớn cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và khách quan, cần thiết phải có thí điểm, rồi từ đó mới đánh giá chính xác được... Liệu sau khi xóa bỏ tổ dân phố rồi thì cấp quản lý ở trên có đáp ứng được tình hình công việc hay không? Cán bộ có thực sự năng động, làm việc khoa học không? Tinh thần trách nhiệm ra sao...?”, BĐ Son Pham nêu vấn đề.
Cùng quan điểm, BĐ Van Nghia ý kiến: “Việc này cần phải triển khai thí điểm vài phường làm trước để đánh giá. Việc khu phố có hơn 450 hộ dân thì làm cách gì để nắm bắt hết được tình hình của từng hộ dân, cứ như trong đợt chống dịch Covid-19 vừa qua nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng tổ dân phố thì không biết như thế nào”.
“Nên bỏ khu phố, bởi khu phố chỉ là trung chuyển mà công việc tất tần tật giao cho tổ dân phố. Nhập 3 - 5 tổ dân phố hiện nay thành một tổ (lực lượng này do ủy ban triển khai, điều hành và hỗ trợ cùng tổ dân phố phổ biến công việc đến người dân; chi bộ cũng nhập luôn, hai chi bộ hiện hữu thành một chi bộ mới, nâng vai trò tổ Đảng) như vậy dôi ra không ít ngân sách. Mô hình này là đổi mới. Mong thực hiện lẹ”, BĐ Huu De đề xuất.
* Tổ dân phố là chỗ dựa an ninh gần dân nhất ở các thành phố lớn, phức tạp... Nếu xóa bỏ, vậy thì lực lượng thay thế là gì?
Văn Thủy
* Nên bỏ và tổ chức lại bộ máy cho tinh gọn, việc này cũng tiết giảm ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, vai trò của phường và nhất là khu phố phải rõ, phải thật sự là “gần dân” và làm được những việc cho là “nhỏ” của tổ dân phố...
Trinh Cuong
* Nên bỏ khu phố, giữ lại tổ dân phố, những tổ trưởng tổ dân phố họ sát sao với dân, còn khu phố thì có phường rồi nên bỏ đi. Cần tổ chức lại chức danh tổ trưởng tổ dân phố, họ không phải là cán bộ về hưu mà là những thanh niên có khát vọng cống hiến. Đây cũng là cán bộ nòng cốt tương lai của phường đã được rèn giũa qua công tác này.
Đức Trí
Bình luận (0)