Vì sao TP.HCM bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân?

24/11/2022 04:24 GMT+7

Việc xóa bỏ cấp trung gian là tổ dân phố, tổ nhân dân sẽ đáp ứng quy định chung của T.Ư và tinh giảm đáng kể số lượng người hoạt động không chuyên trách.

Trong buổi tiếp xúc cử tri Q.Gò Vấp mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết việc xây dựng đề án sắp xếp các tổ chức cấp dưới phường, xã được triển khai gần 3 năm qua nhưng tiến độ bị chậm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Mô hình 2 cấp tồn tại gần 37 năm

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 10.11, Sở Nội vụ TP.HCM tiếp tục có tờ trình gửi Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM về xin chủ trương định hướng sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn theo quy định của T.Ư. Hiện tại, TP.HCM đang duy trì mô hình 2 cấp dưới phường, xã: dưới phường là khu phố, dưới khu phố là tổ dân phố; dưới xã là ấp, dưới ấp là tổ nhân dân, khác với quy định của T.Ư và các địa phương khác.

Ông Phan Văn Mãi cho hay Ban Thường vụ Thành ủy đã cho ý kiến về đề án này, định hướng khi sắp xếp lại thì chỉ còn 1 cấp là khu phố - ấp. Về kinh phí hoạt động của các khu phố - ấp, phải thực hiện theo quy định, nhưng TP sẽ có những cơ chế hỗ trợ thêm. “Do khoản nhận hằng tháng không phải là lương nên nếu chỉ dựa vào nguồn này để sống thì rất khó”, ông Mãi nói.

Bà Phạm Ngọc Thúy (phải), Tổ trưởng Tổ dân phố 31A (KP.3, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), thăm hỏi người ở trọ sau dịch Covid-19 vào tháng 10.2021

Vũ Phượng

Theo Sở Nội vụ TP.HCM, mô hình tổ chức tự quản 2 cấp dưới phường, xã được xây dựng từ năm 1985 và tồn tại đến nay. Tuy nhiên, mô hình tổ chức thêm tổ dân phố, tổ nhân dân bên dưới khu phố, ấp của TP.HCM không phù hợp với quy định của T.Ư. Hiện TP.HCM có 27.377 tổ chức dưới phường, gồm 2.008 khu phố - ấp và 25.369 tổ dân phố - tổ nhân dân với tổng nhân sự gần 64.300 người. Với mô hình hiện tại, số lượng nhân sự sẽ không ngừng tăng lên khi dân số tăng, cùng với điều kiện chia tách, thành lập mới đơn giản.

Sở Nội vụ TP.HCM cũng chỉ ra bất cập khi số lượng dân cư các khu phố, ấp không đồng đều, có khu phố trên 4.000 hộ, địa bàn rộng dẫn đến khó khăn trong nắm tình hình. Người tham gia hoạt động khu phố, ấp phần đông là cán bộ nghỉ hưu, có tâm huyết nhưng tuổi cao, sức yếu nên còn hạn chế trong tổ chức hoạt động. Mặt khác, tình trạng “hành chính hóa” hoạt động của khu phố - ấp diễn ra nhiều, không đúng quyền hạn dẫn đến quá tải công việc, kinh phí hoạt động bị chia nhỏ và không tương xứng với thời gian, công sức hoạt động. Chưa kể, việc duy trì mô hình 2 cấp còn dẫn đến tình trạng ỷ lại lẫn nhau.

Giảm chi phụ cấp cho hơn 38.000 người

Theo phương án do Sở Nội vụ đề xuất, mô hình tự quản dưới phường, xã, thị trấn tại TP.HCM sẽ không còn tổ dân phố - tổ nhân dân mà chỉ có khu phố - ấp. Mô hình này nhập từ 3 - 5 tổ dân phố, tổ nhân dân hiện hữu thành một khu phố, ấp với số hộ bình quân khoảng 450 hộ đối với phường, thị trấn và 350 hộ đối với xã; hoặc chia nhỏ các khu phố, ấp hiện hữu thành 2 - 3 khu phố, ấp mới. Với phương án trên, số lượng khu phố - ấp, tổ dân phố - tổ nhân dân được kéo giảm từ 27.377 tổ chức còn 5.242 tổ chức, tương đương gần 80%.

Về nhân sự, hiện số lượng người hưởng phụ cấp theo Quyết định 48/2015 của UBND TP.HCM, các khu phố - ấp có 13 chức danh gồm: bí thư chi bộ, trưởng ban điều hành, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ, bí thư chi đoàn thanh niên, chi hội trưởng nông dân, chi hội trưởng cựu chiến binh… theo kiểu cấp xã có chức danh gì thì ấp có chức danh đó. Nếu áp dụng theo Nghị định 34/2019, nhân sự ở khu phố - ấp chỉ còn 3 chức danh gồm: bí thư chi bộ, trưởng ban điều hành và trưởng ban công tác mặt trận.

Để đảm bảo hoạt động được tính rộng khắp trong quản lý, Sở Nội vụ đề xuất bổ sung thêm 2 chức danh Chi hội trưởng phụ nữ và Bí thư Chi đoàn thanh niên, nhưng tổng kinh phí phụ cấp vẫn giữ nguyên theo quy định. Khi đó, số người hoạt động giảm từ gần 64.300 người còn hơn 26.200 người, giảm gần 60%.

Về kinh phí hoạt động hằng năm, mô hình TP.HCM đang xây dựng cũng giúp kinh phí hoạt động giảm từ 527 tỉ đồng xuống còn 482 tỉ đồng, tiết kiệm 45 tỉ đồng. Riêng về trụ sở hoạt động, hiện 426/2.008 khu phố - ấp không có trụ sở, hoặc diện tích rất nhỏ chỉ vài mét vuông, cá biệt như Q.5 hoàn toàn không có trụ sở khu phố. Do vậy, phương án mới đề xuất sử dụng chung các trụ sở đã có hoặc mượn trụ sở của các trường học, cơ quan trú đóng trên địa bàn.

Cần tăng thêm phụ cấp?

Lãnh đạo UBND xã Tân Nhựt (H.Bình Chánh) cho biết xã có diện tích rộng hơn 2.300 ha với khoảng 31.000 người, chia thành 5 ấp và 74 tổ nhân dân. Với diện tích rộng, các tổ nhân dân giúp hoạt động tuyên truyền được sâu rộng hơn đến người dân. Nếu gom các tổ nhân dân lại thành ấp thì cần tăng thêm nhân sự cũng như phụ cấp để đảm bảo một phần cuộc sống. Hiện phụ cấp và hỗ trợ thêm đối với bí thư chi bộ và trưởng ban nhân dân chỉ 1,3 triệu đồng, trong khi với địa bàn rộng thì không thể nào nắm bắt sát tình hình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.