Nền giáo dục trung thực

12/06/2015 05:31 GMT+7

Trước phiên trả lời chất vấn trực tiếp của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại QH hôm nay, Bộ GD-ĐT nhận được 115 kiến nghị của cử tri - một trong số những bộ nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị nhất.

Trước phiên trả lời chất vấn trực tiếp của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại QH hôm nay, Bộ GD-ĐT nhận được 115 kiến nghị của cử tri - một trong số những bộ nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị nhất.

Vấn đề được cử tri quan tâm nhất chính là việc thực hiện Đề án cải cách nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng giáo dục mà QH đã thông qua.

Cử tri An Giang lo lắng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nước nhà, Bộ GD-ĐT không chỉ đổi mới sách giáo khoa mà phải thực hiện đồng bộ là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và chương trình giảng dạy (vừa dạy chữ, vừa dạy làm người). Cử tri Ninh Bình, Long An, Hải Phòng đề nghị, việc đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa cần đưa ra trưng cầu ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các nhà giáo dục và công bố để người dân hiểu, góp ý và tạo sự đồng thuận xã hội. Cử tri không sợ đổi mới, không ngại việc nhà nước chi tiền cho đổi mới giáo dục, nhưng điều trăn trở nhất (có mặt trong hầu hết các kiến nghị) chính là việc đổi mới phải đảm bảo ổn định lâu dài.

Một vấn đề được cử tri chỉ ra, đó là chất lượng giáo dục và đào tạo thấp, chưa thực sự gắn kết với nhu cầu của thị trường lao động; nền giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập, xu hướng thương mại hóa giáo dục đã và đang là nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo thấp (cử tri Sóc Trăng, An Giang, Thừa Thiên-Huế…). Sự thực thì không phải bây giờ mà đây là vấn đề đã được đề cập từ rất lâu, rất nhiều lần. Nhưng chưa khi nào cử tri và QH nhận được câu trả lời thỏa đáng. Và quả thực đây là vấn đề khó. Nhưng khó không có nghĩa là không thể làm; vấn đề là có phương pháp và quyết tâm mà thôi.

Mấy năm qua chúng ta kêu ca nhiều về nạn bằng giả, tệ sính bằng cấp đã trở thành bệnh; tình trạng thừa thầy thiếu thợ; hàng ngàn SV tốt nghiệp mà không xin được việc làm, tệ tham nhũng tràn lan; nhiều công trình xây dựng tốn kém mà không có hiệu quả… Nguyên nhân sâu xa đó là tính hình thức, tính không trung thực của mỗi công dân đang được hình thành ngay trên ghế nhà trường.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng nói một câu rất cay đắng, rằng: “Khi đội tuyển bóng đá nam thua trong trận chung kết bóng đá SEA Games thì cả nước chảy nước mắt nhưng khi thấy nước ta là một trong những nước nghèo nhất thế giới, thử hỏi có mấy bạn trẻ chảy nước mắt?”. Đấy là lòng tự tôn dân tộc. Điều gì có thể tôi rèn lòng tự tôn cho cả một thế hệ? Chỉ có thể là giáo dục.

Bệnh hình thức trong giáo dục đã tạo ra những công dân không trung thực ngay trên ghế nhà trường. Cử tri cả nước sẽ chờ nghe phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GD-ĐT và quan trọng hơn dư luận thực sự mong muốn có sự thay đổi xây dựng một nền giáo dục trung thực, vì sự hưng thịnh của dân tộc.  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.