Nên giữ giáng chức, từ giám đốc sở mà cách chức làm nhân viên thì rất... phí

24/05/2019 19:29 GMT+7

Thảo luận về xử lý cán bộ, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nên giữ hình thức giáng chức để cán bộ còn phấn đấu, vì nếu cách chức luôn thì rất... phí.

Giữ lại giáng chức để cán bộ còn phấn đấu

Chiều 24.5, thảo luận tại tổ về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Hoàng Văn Trà (đoàn Phú Yên), cho rằng nên giữ kỷ luật giáng chức. Theo ông Trà, tuy thực tế áp dụng rất ít, nhưng giữ hình thức này là cần thiết.
“Một đồng chí đang là cấp phó đưa lên cấp trưởng nhưng điều hành không được, năng lực không đáp ứng được, thì giáng xuống làm cấp phó hoặc xuống trưởng phòng. Chứ bây giờ vi phạm trên mức cảnh cáo mà cách chức, từ giám đốc sở xuống làm chuyên viên, nhân viên luôn thì rất là phí về phẩm chất chuyên môn”, ông Trà nêu quan điểm và cho rằng “nên duy trì hình thức giáng chức, nhưng phải có hướng dẫn cụ thể để không lợi dụng giáng chức để né cách chức”.
Tương tự, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cũng đề nghị nên giữ lại hình thức giáng chức vì có những vi phạm không đến mức phải cách chức toàn bộ. “Với những vi phạm nhỏ thì đang là trưởng phòng giáng chức xuống phó phòng thôi. Tất nhiên là nếu còn chỗ. Nhất thiết gì phải cách chức, mất đi cả quá trình người ta phấn đấu”, đại biểu Thành nói. Đại biểu Y Khút Niê (đoàn Đắk Lắk) cũng cho rằng nên giữ lại hình thức giáng chức để cán bộ phấn đấu.
Tuy nhiên, có quan điểm ngược lại, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại cho rằng không nên giữ hình thức giáng chức.
“Vì sao còn giáng chức? Nếu không xứng đáng thì cách chức đi phân công người khác, còn chưa đến mức cách chức thì cảnh cáo ông ấy là được rồi”, đại biểu Hòa nói.
Trước đó, trình dự thảo luật ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết đã bỏ hình thức giáng chức để tương đồng với các hình thức kỷ luật của Đảng, và bảo đảm xử lý kỷ luật nghiêm đối với người giữ chức vụ có hành vi vi phạm, phù hợp với quan điểm xây dựng vị trí việc làm.
Đơn cử, người giữ vị trí cấp trưởng nếu bị giáng chức xuống cấp phó, mà cấp phó đã đủ, thì không còn chỗ để mà “giáng chức” nữa.

Đang giữ chức bộ trưởng mà bị kỷ luật vi phạm từ thời còn làm hiệu trưởng thì sao?

Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ đã nghỉ hưu, đại biểu Hoàng Văn Trà cho rằng, hiện đang được áp dụng và có hiệu ứng rất tốt trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng. Do đó, luật hóa vấn đề này là đúng, nhưng cần quy định kỹ hơn, cụ thể hơn.
“Kỷ luật cán bộ nghỉ hưu rồi thì phải làm rõ tính pháp lý của các văn bản ngày xưa ông ấy chịu trách nhiệm. Ví dụ, ông hiệu trưởng ký cho tôi bằng đại học rồi, giờ bị cách chức hiệu trưởng thì cái bằng đó như thế nào?”, đại biểu Trà đặt câu hỏi.
Thêm vào đó, đại biểu Trà cho rằng, cũng cần nghiên cứu việc một vị đã giữ chức vụ thứ trưởng hay bộ trưởng, nhưng bị cách chức hiệu trưởng mà ngày xưa vị ấy đã từng giữ, thì chức vụ thứ trưởng, bộ trưởng hiện nay sẽ ra sao.
“Phải nghiên cứu, làm rõ, vì không có cấp dưới thì làm sao lên được cấp trên? Giống như ông có không có bằng cấp 3 thì làm sao có bằng tiến sĩ được?”, đại biểu Trà đặt câu hỏi, và cho biết trên thực tế đã có những trường hợp tương tự xảy ra, nên cần phải nghiên cứu sâu để quy định cụ thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.