Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ chịu nhiều thiệt hại vì đại dịch Covid-19 kể từ tháng 3.2020, buộc các doanh nghiệp trên toàn quốc phải đóng cửa và hàng triệu người thất nghiệp.
Tỷ lệ thất nghiệp
Tổng thống Trump được thừa hưởng nền kinh tế có tỷ lệ thất nghiệp vốn đã thấp ở mức 4,7% khi ông nhậm chức vào tháng 1.2017, chưa bằng một nửa so với mức cao nhất sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, theo AFP.
Nền kinh tế dưới thời ông Trump tiếp tục cải thiện, tiếp nối những thành tựu đạt được trong 2 nhiệm kỳ 8 năm của tổng thống Barack Obama. Tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong 5 thập niên qua là 3,5% vào tháng 9.2019.
Tuy nhiên, tình hình trở nên xấu đi đáng kể khi phần lớn nền kinh tế Mỹ phải đóng cửa vì đại dịch vào tháng 3 và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 14,7% vào tháng 4.
Tỷ lệ thất nghiệp đã được cải thiện khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại, giảm xuống còn 7,9% trong tháng 9, nhưng gần đây việc tuyển dụng bắt đầu có dấu hiệu chậm lại.
Trong năm 2018 và 2019, nền kinh tế Mỹ tạo ra trung bình 193.000 và 175.000 việc làm/tháng, so với 227.000 và 195.000 trong năm 2015 và 2016, vốn là 2 năm cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống Obama.
Tăng trưởng và suy thoái
Tăng trưởng kinh tế của Mỹ tương đối mạnh mẽ trước đại dịch Covid-19. Tỷ lệ tăng trưởng đạt mức 2% trong mỗi 3 năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, nhưng giảm từ 2,9% (2018) xuống còn 2,3% vào năm 2019. Con số này vẫn cao hơn so với các nền kinh tế lớn khác.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 làm đảo ngược xu hướng bình thường, khiến Mỹ chứng kiến sự sụt giảm kỷ lục về tăng trưởng trong quý thứ 2, tiếp theo đó là sự phục hồi đáng trong quý thứ 3.
Theo số liệu chính phủ Mỹ, ngay cả khi có sự cải thiện đáng kể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý thứ 3 vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 2,9%. Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo nền kinh tế chưa thể hồi phục hoàn toàn giữa lúc đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành nước Mỹ, theo Reuters.
Thâm hụt và nợ
Một trọng tâm trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump là chính sách cắt giảm thuế được ban hành vào cuối năm 2017, cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21% và giảm thuế cho những cá nhân giàu có nhất.
Đây là cuộc cải tổ chính sách thuế lớn nhất trong 30 năm qua, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào năm 2018, nhưng cũng làm tăng thâm hụt, tăng lên hơn 1 nghìn tỉ USD vào năm 2019. Đại dịch Covid-19 dẫn đến những gói chi tiêu ngân sách liên bang khổng lồ mới đã làm tăng thâm hụt lên hơn 3 nghìn tỉ USD.
Cứu trợ khẩn cấp
Vào tháng 3, các nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ở quốc hội đã thống nhất thông qua gói hỗ trợ kinh tế 2,2 nghìn tỉ USD.
Biện pháp này bao gồm số tiền hỗ trợ 1.200 USD cho mỗi người dân Mỹ, trả thêm tiền hỗ trợ thất nghiệp 600 USD/tuần, cùng các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ khác cho doanh nghiệp nhỏ chịu ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19, giúp họ trả lương cho nhân viên.
Tuy nhiên, gói hỗ trợ kinh tế 2,2 nghìn tỉ USD đã hết hạn và các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa nhất trí về một gói hỗ trợ mới.
Giảm lãi suất về gần bằng 0
Tổng thống Trump thường xuyên chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Chủ tịch Fed Jerome Powell vốn được ông bổ nhiệm. Cụ thể, Tổng thống Trump chỉ trích ông Powell về quyết định tăng lãi suất vào năm 2018, cho rằng động thái này đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, Fed có hành động tích cực khi cắt giảm lãi suất cho vay về gần bằng 0% từ ngày 16.3 và cho đến khi nền kinh tế vượt qua tác động của đại dịch Covid-19.
Fed cũng đã công bố hàng loạt chương trình nhằm tăng tính thanh khoản trên thị trường tài chính và cung cấp những khoản vay ưu đãi cho các công ty hoạt động tốt trước đại dịch Covid-19.
Các cuộc thăm dò cho thấy 48% cử tri ủng hộ ông Biden trong vấn đề đại dịch Covid-19, còn ông Trump là 42%, theo Reuters. Tuy nhiên, về chính sách kinh tế, ông Trump được ủng hộ cao hơn so với đối thủ Biden, tỷ lệ 52% - 41%.
Bình luận (0)