Tôi chỉ cho Jim, anh bạn người Canada đang ngồi nhậu bên vỉa hè Sài Gòn một cô gái đang ngồi một mình mải mê với màn hình điện thoại. Chiếc váy đen suông, dài, chạm gót chân, phía sau hở ra gần như toàn bộ phần lưng trần.
Jim lè lưỡi, lắc đầu. “Sao, không ngon à?”. “Đen quá, lại nhiều mụn. Nếu trắng trẻo thì đỡ”. Tôi cười muốn rơi hết số bia vừa uống ra khỏi miệng. Hóa ra không phải cô nào lưng trần trên phố cũng được cánh đàn ông ưa chuộng, ngoài eo thon phải trắng trẻo, ít mụn, mịn màng. Nhưng cuộc sống lại không giống cuộc đời thơ mộng, tôi từng bắt gặp nhiều cô lưng trần, ăn mặc mát mẻ nơi công cộng không “ngon” tí nào.
Bầu chọn
Bạn có cho rằng, ăn mặc "mát mẻ" nơi công cộng là hành vi trái thuần phong mỹ tục không?
Bạn có cho rằng, ăn mặc "mát mẻ" nơi công cộng là hành vi trái thuần phong mỹ tục không?
Một lần trên đường Nguyễn Đình Chiểu, trước chợ Vườn Chuối, một chị hơi béo một tí ngồi sau anh xe ôm Grabike mặc quả váy bó sát màu kem nhưng lại hơi thiếu vải cho phần dưới. Mặc dù chị đã cố gắng bắt chéo hai chân và khép nép đằng sau anh tài xế, thì những gì người đi đường nhìn được về chị nó cứ như màn tra tấn thị giác. Đường phố mà rộng thênh thang, tôi cũng cố gắng phóng xe thật nhanh để đỡ phải ám ảnh về màn trình diễn thời trang trên phố. Nhưng tắc đường quá. Xuyên qua lớp khẩu trang, tôi nhìn thấy mấy nụ cười rất hàm ý của người đi đường.
Một lần trên đường Điện Biên Phủ, một chị chừng gần 50 chạy xe máy, mặc áo kiểu xuyên thấu cho hợp thời trang. Vải bên ngoài màu trắng mỏng tang, nhưng bên trong chị diện nội y màu đen tuyền kiểu “lạy ông em ở bụi này”. Qua lớp vải mỏng manh, người đi đường còn nhìn rõ nhưng lớp mỡ ngấn lên.
Có một lần, trên đường Cách Mạng Tháng Tám, tôi chạy sau một cô gái chừng ngoài hai mươi đi xe đạp điện. Cô gái trẻ mặc áo hai dây và váy ngắn hững hờ. Trong gió chiều Sài Gòn, cái váy tung bay rất tự do. Nước da trắng, mái tóc dài, kèm mốt ăn mặc thiếu vải tôn lên vẻ nữ tính và bạo dạn trong cô. Đường thì không kẹt xe, nhưng mấy anh trai đi xe máy đằng sau cứ chạy chậm thiệt chậm. Phụ xe buýt, tài xế xe hơi có người đi lướt qua rồi còn ngoái lại tiếc rẻ. Tôi nghĩ rằng, tắc đường có thể cũng từ đấy mà ra. Tai nạn giao thông cũng từ đấy mà ra. Nếu người ta tham gia giao thông nhưng không chú ý điều khiển xe cho thật an toàn, cứ mải mê nhìn ngắm những người lưng trần hay ăn mặc mát mẻ, khi tai nạn xảy ra biết đổ lỗi cho ai?
|
Nhiều lần trên phố đi bộ Bùi Viện, tôi bắt gặp nhiều cô gái đi cùng người bạn trai của mình, họ mặc những chiếc váy nhằm khoe vòng 1 và vòng 3 nên có vẻ hơi ngắn. Tôi nhìn thấy sự ái ngại của chính những chàng trai khi cứ thấy người khác nhìn chằm chằm bạn gái của mình. Tôi nghĩ là sẽ có nhiều cách để khoe với người mình thương yêu vẻ đẹp cơ thể của bản thân mình, đâu nhất thiết cứ dạo phố là phải bảo với cả thế giới “da em trắng, mông em nở nang, vòng một em không bị lép”!
Chị bán cà phê ở đầu cơ quan tôi chép miệng, “Nhiều chị em bây giờ bạo dạn lắm. Mặc cứ phải hở thật nhiều. Mà nhé, chị là phụ nữ nhưng chị cũng thích nhìn cái đẹp. Đẹp là duyên dáng, nửa kín nửa hở, khép nép, thanh xuân. Không phải cứ trưng hết lên thì người ta mới khen. Đó là thô thiển, xúc phạm người khác”.
Điều này thì tôi đồng ý với chị. Những trường hợp trưng bày vẻ đẹp cơ thể quá trần trụi nơi công cộng, không chỉ xúc phạm thị giác người đi đường, còn gây ra sự phản cảm về văn hoá. Thuần phong mĩ tục không phải ở đâu xa lạ, nó ở ngay trong cách các chị mặc cái áo, cái quần nào ra đường, các chị nói cái gì, cư xử ra sao với những người xung quanh. Tôi không ngạc nhiên khi thấy độ tuổi của học sinh, sinh viên có những thắc mắc về giới tính, cơ thể và quan tâm đến tình dục ngày càng sớm. Lối ăn mặc thiếu vải của nhiều chị em nơi công cộng có thể cũng là một tác nhân để kích động hơn nữa sự tò mò của nhiều bạn trẻ còn chưa 18 tuổi; kích động quấy rối tình dục nơi làm việc; kích động phần “con” trong nhiều con người, rất dễ xảy ra các vụ tấn công tình dục, cưỡng hiếp…
Tôi được biết, với các nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu, nếu ăn mặc quá phản cảm cũng sẽ bị xử phạt. Thành phố Hà Nội cũng áp dụng “Quy tắc ứng xử nơi công cộng” từ năm 2017, theo đó ai ăn mặc phản cảm sẽ bị bêu tên, xử phạt. Nhưng xử phạt thế nào, tôi cũng chưa thấy cách này phát huy hiệu quả.
Vải thì càng ngày càng rẻ, nhưng quan trọng là ý thức con người, họ có muốn trang phục của họ đầy đủ vải hay không. Quan niệm về cái đẹp của nhiều người đang lệch lạc. Nên chăng cần xử phạt thật nặng hơn nữa những ai ăn mặc mát mẻ nơi công cộng?
Bình luận (0)