Chiều 28.2, Bộ Công thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Nội dung chính trong hội nghị tập trung vào chủ đề xúc tiến thị trường châu Á - Thái Bình Dương cho các sản phẩm chế biến và lương thực thực phẩm.
Nhiều sản phẩm chủ lực đơn hàng giảm mạnh
Thống kê sơ bộ cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 2.2023 ước đạt gần 25,9 tỉ USD, tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,4 tỉ USD, giảm 10,4%. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2.2023 ước đạt gần 23,6 tỉ USD. Tính chung hai tháng đầu năm 2023 đạt 46,6 tỉ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại xuất siêu 2,8 tỉ USD.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, hoạt động thương mại trong những tháng đầu năm rất khó khăn. Một số ngành xuất khẩu chủ lực như gỗ đơn hàng giảm mạnh, chỉ còn 1/3 so với bình thường; các ngành dệt may, da giày, thủy sản… cũng rơi vào cảnh tương tự. Khác với mọi năm, từ đầu năm các doanh nghiệp đã có đơn hàng cho đến giữa năm, sau đó là đợt tiếp cho các đợt lễ Giáng sinh và cuối năm. Thế nhưng năm nay khó khăn, đặc biệt là các nhóm hàng không thiết yếu. "Tuy nhiên, một số dự báo cho rằng kinh tế không suy thoái nặng nề trong năm 2023 và khó khăn chỉ kéo dài tới tháng 6, nền kinh tế thế giới có thể sẽ hồi phục từ quý 3 - 4.2023", ông Phú thông tin.
Gạo túi nhỏ được ưa chuộng
Đối với các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và thuộc nhóm hàng thiết yếu như sản phẩm chế biến và lương thực thực phẩm, ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Úc cho biết, Úc là nước phát triển mạnh trong lĩnh vực thực phẩm chế biến. Tuy nhiên trong nhiều năm gần đây, các sản phẩm chế biến và lương thực thực phẩm của Việt Nam cũng được khách hàng Úc đón nhận. Tổng kim ngạch nhóm hàng này của Việt Nam xuất vào Úc năm 2022 đạt gần 750 triệu USD. Các sản phẩm tôm, cá đông lạnh của Việt Nam được bán khá nhiều ở hệ thống siêu thị của Úc.
Năm 2022, tại thành phố Perth, Thương vụ Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức chương trình phát 10.000 sản phẩm gạo dùng thử cho khách hàng. Phản hồi của người tiêu dùng tốt và gạo Việt Nam cũng trở nên nổi tiếng hơn. Hiện tại, gạo Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm đóng túi nhỏ, được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi. Trong năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục mang sản phẩm nếp Cái Hoa Vàng sang chinh phục thị trường này.
Bên cạnh đó, các thương vụ Việt Nam tại Malaysia và Indonesia cũng cho biết nhu cầu với hàng thiết yếu của Việt Nam cao, đặc biệt là gạo. Đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm nói chung cần có chứng nhận Halal vì đây là hai thị trường Hồi giáo.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh; Các sản phẩm thiết yếu trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chưa đạt yêu cầu thị trường, xuất khẩu tiểu ngạch vẫn còn cao nên không thể khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do. Đây là những vấn đề mà các nhà sản xuất cần phải khắc phục. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp cần phối hợp tốt hơn với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để kết nối với thị trường và khách hàng. Chúng ta cần tổ chức các hoạt động giới thiệu sản phẩm dưới hình thức "bữa tiệc ẩm thực Việt Nam" để giới thiệu sản phẩm cũng như quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến khách hàng.
Nên thanh toán LC và yêu cầu mã số kinh doanh
Tham tán thương mại Việt Nam tại một số nước cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần thận trọng trong các hình thức giao dịch với đối tác nước ngoài, cần lựa chọn các hình thức thanh toán an toàn như mở LC. Bên cạnh đó, cần yêu cầu khách hàng cung cấp mã số đăng ký kinh doanh để kiểm tra (có thể nhờ các thương vụ) xem liệu doanh nghiệp đó có thực sự tồn tại?
Bình luận (0)