Nepal đau đớn giã biệt di sản - Kỳ 2: Tan hoang chứng tích lịch sử

05/05/2015 06:13 GMT+7

Quảng trường Kathmandu Durbar, từng được coi là một chứng tích lịch sử vô cùng quý giá của nhiều triều đại vua chúa Nepal, nay đã bị hư hại nặng sau trận động đất ngày 25.4.

Quảng trường Kathmandu Durbar, từng được coi là một chứng tích lịch sử vô cùng quý giá của nhiều triều đại vua chúa Nepal, nay đã bị hư hại nặng sau trận động đất ngày 25.4.

>> Nepal đau đớn giã biệt di sản: Mất đi một di sản thế giới

Nỗ lực tìm kiếm tại quảng trường Kathmandu Durbar - Ảnh: AFP
Nỗ lực tìm kiếm tại quảng trường Kathmandu Durbar - Ảnh: AFP
Nằm phía trước cung điện hoàng gia cũ, quảng trường Kathmandu Durbar là một trong ba quảng trường cung điện hoàng gia được UNESCO công nhận là di sản văn hóa từ năm 1979. Trong trận động đất ngày 25.4 vừa qua, người dân Nepal và các du khách nước ngoài yêu thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Nepal không khỏi bàng hoàng khi nhìn thấy quảng trường lịch sử Kathmandu Durbar cùng nhiều tòa nhà, cung điện vốn là chứng tích lịch sử lâu đời của Nepal nay đã đổ sập.
Quảng trường được bao quanh bởi kiến trúc hoành tráng, phô bày sinh động tài hoa và kỹ năng của các nghệ sĩ và thợ thủ công Newar suốt nhiều thế kỷ qua.
Ban đầu cung điện hoàng gia được đặt tại quảng trường Dattaraya và cuối cùng được dời về quảng trường Durbar. Quảng trường Kathmandu Durbar là nơi tập trung các cung điện của các vị vua thuộc triều đại Malla và triều đại Shah. Dọc theo các cung điện này, quảng trường còn như một Tứ hợp viện, bao quanh cả sân và các điện thờ. Kathmandu Durbar còn được biết đến với cái tên Hanuman Dhoka Durbar bởi một bức tượng của Hanuman - tín đồ khỉ của chúa Ram - được đặt tại cổng ra vào cung điện.
Những cung điện và chùa chiền, điện thờ ngày nay đã được trùng tu sửa chữa lại rất nhiều lần ngay từ thời vương quốc cổ Licchavi vào thế kỷ thứ 3. Các cung điện trong quảng trường được đặt tên như Gunapo, Gupo..., với ngụ ý rằng chúng được xây dựng bởi yêu cầu của vị vua Gunakamadev vào thế kỷ thứ 10.
Khi thung lũng Kathmandu sau này trở nên độc lập dưới sự cai trị của vị vua Ratna Malla (1484 - 1520), các cung điện ở quảng trường này đã trở thành cung điện hoàng gia cho các vị vua thuộc đế chế Malla. Tới năm 1976, khi Prithvi Narayan Shah xâm chiếm được thung lũng Kathmandu, ông cũng yêu thích chọn quảng trường Kathmandu Durbar làm nơi đặt cung điện của mình. Các đời vua Shah tiếp đó vẫn tiếp tục tiếp quản nơi này cho tới năm 1896 khi họ chuyển tới cung điện Narayan Hiti.
Bởi kế thừa lịch sử lâu đời như vậy, quảng trường Kathmandu Durbar vẫn luôn là nơi được lựa chọn làm trung tâm tổ chức các sự kiện hoàng gia quan trọng như lễ đăng quang của vị vua Birendra Bir Bikram Shah (1975) và vua Gyanendra Bir Bikram Shah (2001).
Tìm kiếm lịch sử từ đống đổ nát
Giờ đây trên quảng trường Kathmandu Durbar, rất nhiều chuyên gia văn hóa cùng các thanh niên trai tráng vẫn cặm cụi tay trần đào bới trong những nền đất đổ sập. Họ không dám dùng xẻng hoặc bất cứ vật hỗ trợ bằng kim loại nào bởi e sợ sẽ vô tình đụng phải các di vật lịch sử quan trọng đã rơi ra từ các cung điện hoặc các tòa nhà hoàng gia bị đổ sập.
Bất cứ khi nào họ tìm được một tảng đá lớn hoặc một vật có giá trị lịch sử, nhiều người sung sướng hô to “Chúng ta yêu đất nước”. Bởi hơn ai hết, họ đều hiểu rõ rằng việc nỗ lực tìm kiếm những gì còn sót lại của di sản văn hóa dân tộc là vô cùng quan trọng.
Nhiều điện thờ cổ kính đậm nét văn hóa đặc trưng xưa của Nepal tại ba quảng trường Kathmandu Durbar, Patan và Bhaktapur nay đã tan hoang.
Theo Alok Tuladhar - một nhà làm phim tài liệu về di sản văn hóa, đồng thời cũng là một chuyên gia nghiên cứu di sản ở quảng trường Kathmandu Durbar, một cuộc họp không chính thức do UNESCO tổ chức đã diễn ra vào ngày 30.4 vừa qua nhằm đánh giá mức độ thiệt hại của các di sản văn hóa. Tham gia buổi họp có nhiều chuyên gia văn hóa, có cả một nhà khảo cổ học người Pháp - người đã nghiên cứu thực địa ở Nepal trong trận động đất. “Chúng tôi đã quyết định thành lập một đơn vị điều phối quốc gia để đánh giá lĩnh vực này”, Alok Tuladhar nói.
Alok Tuladhar cho biết chính quyền Nepal và UNESCO sẽ ưu tiên cứu chữa các di sản văn hóa bị tàn phá bởi động đất, tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh phải dựa vào người dân địa phương, bởi hơn ai hết những con người sinh sống thường nhật nơi đó hiểu rõ từng lá cây ngọn cỏ, từng mảnh đất hòn đá nơi họ đang sống và cái gì có giá trị di sản văn hóa.
Hiện tại ở khu vực quảng trường Kathmandu Durbar, các nhân viên bảo vệ điện thờ đang ra sức gìn giữ 150 di tích di sản, gồm các tảng đá, tranh khắc gỗ, đồng thau, chuông... Ram Bahadur Kumal - một nhân viên bảo vệ, cho biết đội cứu hộ di sản đang rất nỗ lực tìm kiếm thêm các đồ tạo tác bên trong quảng trường.
Giờ đây, nếu ai có dịp tới quảng trường Kathmandu Durbar sẽ không ngạc nhiên khi bắt gặp quang cảnh những người đi bộ quanh quảng trường, quỳ, cúi, lần, mò, sờ trên các đống đổ nát với hy vọng tìm kiếm bất cứ mảnh di tích nào bị vỡ.
Di sản văn hóa tại thung lũng Kathmandu bao gồm 7 nhóm di tích và các công trình thể hiện đầy đủ các thành tựu lịch sử và nghệ thuật, đồng thời cũng từ đó khiến thung lũng Kathmandu nổi tiếng thế giới, đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Bao gồm: 3 quảng trường Kathmandu Durbar, Patan and Bhaktapur; 2 bảo tháp Phật giáo Swayambhu và Bauddhanath; 2 ngôi đền Hindu Pashupati và Changu Narayan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.