Ngày 28.10, tiếp tục kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường đối với báo cáo của đoàn giám sát và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".
"Kiểm tra xem ai đang ở trong các căn nhà ở xã hội"
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề cập tới những hạn chế trong công tác quản lý đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội. Thực tế cho thấy có người sở hữu nhà ở xã hội không thuộc diện được hưởng ưu đãi này, không phải đối tượng chính sách, không phải hộ nghèo, cận nghèo hoặc đối tượng thấp theo quy định.
Báo cáo của các địa phương khẳng định phần lớn các sở, ban, ngành, địa phương đã cơ bản tuân thủ quy định pháp luật khi tiến hành xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Thế nhưng, theo bà Nga, có dự án nhà ở xã hội chưa nghiệm thu đã xuất hiện rao bán trên mạng xã hội.
"Nếu có cuộc thanh tra, kiểm tra xem ai đang ở trong các căn nhà ở xã hội, chắc rằng sẽ có nhiều người không đúng đối tượng được ưu đãi", bà Nga nói.
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do việc xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách không đúng, xuất hiện tình trạng lách luật để mua đi bán lại, khiến người thu nhập thấp ngày càng khó tiếp cận nhà ở xã hội hơn.
Bà Nga đồng tình với dự thảo nghị quyết khi giao Chính phủ và các bộ, ngành cần có giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm trong quản lý, vận hành thị trường bất động sản, nhà ở xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng nhà ở xã hội.
Ngoài các nội dung trên, nữ đại biểu kiến nghị bổ sung việc thanh tra, kiểm tra với đối tượng được mua nhà ở xã hội cũng như quy trình thủ tục xét duyệt mua, thuê mua nhà ở xã hội để phát hiện, xử lý sai phạm có liên quan.
Đồng thời, sớm triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhất là ở các vùng tập trung nhiều khu công nghiệp. Các địa phương cần đặc biệt chú ý phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê để người dân dễ tiếp cận hơn.
[VIDEO] Đại biểu Quốc hội: Kiểm tra ai đang ở trong nhà ở xã hội, sẽ có người không đúng đối tượng
Không chỉ trông chờ vào doanh nghiệp
Cũng liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) cho hay, đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội thường là những người không có nhiều tiền, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống.
Nhóm này không có nhiều khả năng tích lũy để đủ tiền mua nhà, thậm chí không đủ trả lãi ngay cả khi được vay mua nhà, "thế thì làm sao họ mà mua được nhà".
Thực tế cũng cho thấy, nhiều năm qua, phần lớn người thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội, sau 5 năm đã bán căn nhà đó đi để lấy tiền trang trải nợ nần, lo công việc khác.
Ông Cường đề nghị có giải pháp tăng phân khúc nhà ở xã hội cho thuê, có thể thuê suốt đời, khi đủ tiền thì chuyển sang mua nhà ở thương mại, dành quỹ nhà ở xã hội đó cho người khác.
Một điểm lưu ý nữa, vị đại biểu đoàn TP.Hà Nội cho rằng, nếu phát triển nhà ở xã hội cho thuê thì không thể chỉ trông chờ doanh nghiệp, vì họ "không thể bỏ tiền cục rồi thu tiền lẻ".
Do đó, ông Cường kiến nghị phải có quỹ riêng đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nguồn lấy từ tiền sử dụng đất quỹ 20% đất dành cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại.
Số lượng nhà ở xã hội thiếu hụt xa so với nhu cầu
Theo thống kê, giai đoạn 2015 - 2023, cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 567.000 căn.
Trong đó, có 373 dự án đã hoàn thành với quy mô hơn 193.000 căn, 129 dự án đã khởi công với quy mô gần 115.000 căn và 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô hơn 258.000 căn.
Số lượng căn hộ nhà ở xã hội cung cấp cho thị trường thiếu hụt xa so với nhu cầu. Nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ hoàn thành phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị thấp, chủ yếu phụ thuộc vào quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại.
Tình trạng dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân; giá nhà ở xã hội bình quân còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng.
Việc triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ từ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng chậm được giải ngân, điều kiện, thủ tục phức tạp, lãi suất còn cao…
Đoàn giám sát cũng chỉ ra quy định về trình tự, thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư còn phức tạp, kéo dài, thiếu thống nhất. Một số quy định chồng chéo, thiếu thống nhất dẫn đến ách tắc trong triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa khuyến khích, thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội. Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn khó.
Chủ đầu tư phải vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất cao dẫn đến giá bán nhà ở xã hội cao, đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội khó tiếp cận…
Bình luận (0)