Thảo luận ngày 3.11 tại Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 có tầm quan trọng đặc biệt khi chúng ta đã có khát vọng phát triển được lượng hóa là cột mốc 2030 (100 năm thành lập Đảng) và 2045 (100 năm thành lập nước).
Ông Nghĩa nhận định, nếu hình dung chúng ta đang chuẩn bị cho một chặng bay mới mà có người gọi là Đổi mới lần 2 thì 10 năm tới, đất nước cần cất cánh và đạt được trình độ cần có, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, từ đó bay nhanh hơn để gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển.
Theo ông Nghĩa, 5 năm tới có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ lộ trình còn lại. Nếu cứ loay hoay không cất cánh được, hay cất cánh mà không đủ tốc độ và cao độ, thì sau 10 năm sẽ không đạt được trình độ cần thiết. “Khi đó khát vọng mãi mãi chỉ là khát vọng mà thôi”, đại biểu TP.HCM nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nghĩa, để đạt được các cột mốc phát triển, cần phải giải quyết một loạt bài toán: tăng trưởng, tài chính ngân sách, bảo vệ chủ quyền, nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền dân và huy động sức dân.
Ông Nghĩa cho biết, gọi đây là bài toán để có những giải pháp kế hoạch hành động được xây dựng trên những đề án khả thi, khoa học và cụ thể vì hiện nay không thể xây dựng mục tiêu như cũ mà cơ chế, phương thức thực hiện cũng không thể như trước.
"Virus SARS-CoV-2 hay các biến thế 3, 4, 5 của nó có thể làm phá sản mọi dự tính, tham vọng của những quốc gia tiên tiến nhất, nhưng cũng có thể đưa một nước đang phát triển vượt lên đuổi kịp các nước phát triển nếu quốc gia đó có chiến lược khôn ngoan, có bộ máy lãnh đạo năng lực liên kết, giữ được niềm tin và biết cách huy động mọi trí tuệ, tâm huyết của nhân dân mình", ông Nghĩa nói.
Phát triển nhanh, bền vững và tự chủ
Về bài toán tăng trưởng, ông Nghĩa đề nghị bổ sung vào phương châm phát triển của chúng ta là phát triển nhanh, bền vững và tự chủ.
Theo ông Nghĩa, tự chủ là đặc thù của giai đoạn “bình thường mới”, song tự chủ chắc không phải là độc lập hay quay về bảo hộ. Tự chủ cách gì và như thế nào còn phải bàn sâu và kỹ hơn.
"Tôi có cảm giác chúng ta còn lúng túng, sơ lược về giải pháp khi đề ra các mục tiêu cho các lĩnh vực. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu biết cách hợp tác toàn diện, lâu dài, cùng có lợi với Mỹ , EU, Anh, Nhật, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc… thì chúng ta có thể đạt được các cột mốc đề ra đến năm 2045 đồng thời giữ vững được tự chủ kinh tế, chủ quyền và an ninh quốc gia”, ông Nghĩa nói.
Về bài toán tài chính, ngân sách, ông Nghĩa cho biết, có ý kiến lo lắng phải chăng chúng ta điều chỉnh quy mô kinh tế để có thể nâng cao hàng loạt tiêu chí như bội chi ngân sách, nợ công và nợ nước ngoài. Việc này tạo ra dư địa cho vay nợ và chi ngân sách, nhưng cũng có thể là dư địa cho lãng phí, kém hiệu quả hay tham nhũng trong đầu tư công.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, điều cốt tử của vấn đề ngân sách là tạo ra nguồn thu, kiểm soát thu chi, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ. “Làm tốt những việc trên thì không sợ nâng trần. Đề nghị Chính phủ giải thích rõ hơn để cử tri yên tâm”, ông Nghĩa góp ý.
Khi Covid lắng xuống, Biển Đông sẽ dậy sóng mạnh hơn
Về bài toán quốc phòng, an ninh, đại biểu TP.HCM cho rằng, khi Covid lắng xuống, Biển Đông sẽ dậy sóng mạnh hơn. Nhiệm vụ giữ vững quốc phòng an ninh sẽ phức tạp, nặng nề hơn.
Dẫn lại Nghị quyết 17 của Ban Chấp hành T.Ư về chuyển một số nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ, ngành khác để tập trung hơn cho nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, ông Nghĩa cho rằng, xây dựng lực lượng vũ trang tinh nhuệ, hiện đại là tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0.
"Theo tôi, lực lượng vũ trang phải xây dựng trên phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa” hay nói theo Lê-nin là “thà ít mà tốt”. Muốn tinh thì phải gọn, từ đó nhà nước và nhân dân mới có khả năng tập trung đầu tư cho lực lượng vũ trang", ông Nghĩa kiến nghị.
Về bài toán nhà nước pháp quyền, ông Nghĩa đề nghị cần tiếp tục phát huy những thành tựu cải cách tư pháp; có biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém dai dẳng để cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng thay đổi tư duy và thói quen cũ, cương quyết thực hiện những tiến bộ được Hiến định trong Hiến pháp 2013.
Bài toán cuối cùng mà ông Nghĩa đề nghị giải quyết là bảo đảm quyền dân và huy động sức dân. Theo đại biểu Nghĩa, nhân dân với tư cách là người chủ đất nước, là nguồn trí tuệ, sáng kiến, nhân lực, tài lực cực kỳ quan trọng trên mọi phương diện, mọi tình huống, không gì có thể thay thế. Do đó, càng bảo đảm tốt quyền dân thì càng huy động nhiều sức dân cho mục tiêu phát triển.
Bình luận (0)