Dường như năm nào Sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM) cũng tổ chức sinh nhật vào ngày 14.2 nhưng năm nay vì đại dịch Covid-19 buộc phải dời sang tháng 3. Cặp đôi ông bà bầu Ái Như-Thành Hội như mọi năm sẽ bước lên sân khấu tặng hoa, nhận hoa, nói những lời gan ruột, rồi cả khán phòng cùng xem lại những trích đoạn hay, cùng khóc, cười, thấm thía…
Nhưng có lẽ năm nay tôi sẽ không dám đi dự. Tôi rất sợ những lời Thành Hội-Ái Như sẽ nói. Những lời hình như đã nghe nhiều lần, đại ý rằng không biết có cầm cự nổi hay không, rằng cố gắng bao nhiêu được bấy nhiêu, rồi khán giả lại động viên, thương cảm… Sân khấu Hoàng Thái Thanh lại thở oxy sau mỗi mùa sinh nhật, lại gồng mình lên biểu diễn. Cứ vậy mà cùng dắt díu nhau qua nhiều cơn đại hồng thủy, nặng nề nhất là cơn đại hồng thủy Covid-19 càn quét suốt năm 2020 đã gần như hút đến giọt máu cuối cùng của anh em nghệ sĩ Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng như một vài sân khấu khác.
Người ta nhìn thấy sự cạn kiệt sinh lực, cạn kiệt nhẫn nại. Đôi lúc người ta khóc khi nghĩ tới Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Khóc như khi đọc status sáng nay của Thành Hội viết về hát bội một thời, về chiếc xe thổ mộ một thời, về những rạp cải lương một thời cứ chiều chiều khán giả hối hả ăn cơm sớm để còn kéo nhau tới rạp… Anh hỏi: “Nay họ đâu rồi? Đâu rồi ngày ấy?...”. Và câu kết: “Chợt nhớ tới vườn hoa mình trồng. Biết đâu có ngày ai đó sẽ nói ở đây hồi xưa có một vườn hoa”. Nước mắt tôi rơi xuống.
|
Ái Như-Thành Hội đã và đang trồng một vườn hoa, mà cứ lo không biết ngày nào nó nhạt phấn phai hương, ngày nào nó rụng chiếc lá cuối cùng gởi vào lòng đất, và người ta sẽ chỉ còn khai quật nó trong ký ức… Một vườn hoa ở đó có những bông hồng của tình yêu thủy chung mà cô Thà gởi vào dòng sông suốt hai mươi năm, có sự hào hiệp, nhẫn nhịn của cô gái điếm hoàn lương nơi xóm nhỏ Sài Gòn, có nghị lực và tình thương của cô Nữ cảm hóa được chàng công tử nhà giàu quậy phá, có sự chờ đợi đến nửa đời ngơ ngác của anh Tư Nhớ và cô Út Lý, có sự mơ màng của anh Lược lo đuổi bắt bóng trăng mà quên đi hạnh phúc hiện hữu sát bên mình, có sự thấu cảm của ông chủ giám đốc và chị ô sin khi hoán đổi thân phận cho nhau, có sự thấm thía của tên tướng cướp khi tráo con cho thầy đồ…
Nhiều lắm, rất nhiều những bông hoa mà Ái Như-Thành Hội đã gieo trồng và cẩn thận nâng niu trao tay khán giả. Mỗi bông hoa đem đến một hương sắc riêng, thơm của nghĩa tình, đẹp của lễ nghĩa, sáng ngời nhân văn. Màn nhung khép lại, hoa vẫn không tàn, hương vẫn bay theo vào giấc mộng, thơm tận trái tim, để rồi người ta cũng biết sống như hoa, cũng thơm, cũng đẹp…
Ừ thì chuyện làm sân khấu cũng giống như mở một công ty kinh doanh. Ngoài kia có biết bao công ty được thành lập, rồi tàn lụi, rồi chết, có ai nhớ đâu. Một sân khấu sống rồi chết, cũng vậy thôi. Ồ không, không thể như vậy, không bao giờ như vậy! Một sân khấu không chỉ có thu chi rạch ròi theo con số đếm của tờ giấy bạc, mà nó còn thu chi những giá trị khác trong lòng người, làm sao mà đong đếm, làm sao mà quyết toán? Có khi chúng ta chỉ quyết toán được giá trị đó lúc ta thấy một nụ cười hiếu thảo trên môi em bé, một lời thưa gởi lễ phép của cậu học trò, một cái ôm nồng ấm của người chồng, hoặc sự tận tụy, thủy chung nơi người vợ… Những con số vô hình, chỉ quyết toán bằng niềm vui và hạnh phúc, bằng an lành và nhân ái, bằng thanh thản và cân bằng… Đó là giá trị của nghệ thuật, của sân khấu và của riêng Sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Người ta còn thương nhớ mãi Thanh Minh-Thanh Nga, Hương Mùa Thu, Dạ Lý Hương, Kim Chung, Kim Chưởng, Kim Cương… là vì thế. Những hoài niệm không nguôi, những rung động không dừng, những hương sắc dường như chưa hề tàn phai dẫu trăm năm dâu bể. Cho nên mỗi năm lại nghe Sân khấu Hoàng Thái Thanh nói những lời gần như là từ tạ, cứ xoay sở trăm bề, khán giả như tôi lại chợt lo, chợt sợ. Sợ câu nói “Biết đâu…” mà Thành Hội thả vào Sài Gòn một sáng nắng thưa.
Nếu mai này không còn Sân khấu Hoàng Thái Thanh…? Ai trả lời giùm câu hỏi ấy… Ai tưởng tượng giùm viễn cảnh ấy… Không, xin hãy nắm tay nhau ôm chặt Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Xin tưới nước, chăm phân cho vườn hoa ấy. Mỗi người chúng ta đều có thể góp một giọt nước giữ cho hoa nở bốn mùa. Bởi nơi đó có sự tử tế mà cuộc sống đang cần.
Bình luận (0)