Sáng 28.11, Quốc hội thảo luận về dự án luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo điện tử, truyền hình, phát thanh giảm 5% so với hiện nay, về mức 15%. Riêng báo in vẫn tiếp tục áp dụng mức thuế ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng mức giảm này chưa phù hợp do đa số các cơ quan báo chí đang gặp khó khăn về doanh thu.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, các cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, giáo dục thay vì kinh doanh. Do đó, áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông 20% cho các khoản thu ngoài nhiệm vụ chính như quảng cáo, tổ chức sự kiện tạo áp lực lớn lên tài chính của báo chí.
Trong bối cảnh cạnh tranh với các nền tảng số, nguồn thu từ quảng cáo ngày càng giảm khiến nhiều cơ quan báo chí khó khăn.
"Các khoản thu nhập không ổn định như tài trợ, hợp đồng quảng cáo nhỏ lẻ vẫn bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp mà không xét đến tính đặc thù làm suy yếu khả năng tài chính của báo chí", ông Bình nêu.
Ông đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% hoặc có thể thấp hơn đối với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí để tạo nguồn lực hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chính trị, truyền thông.
Đồng thời, hỗ trợ gián tiếp thông qua các biện pháp như thành quỹ hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa để tài trợ một phần cho hoạt động báo chí. Xây dựng cơ chế thu thuế từ Google, Facebook... sử dụng nguồn thu này hỗ trợ báo chí trong nước.
Báo chí đang rất khó khăn
Cùng quan điểm này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nhấn mạnh, báo chí đang hết sức khó khăn, đời sống, thu nhập của cán bộ, phóng viên giảm sút rất nhiều và hoạt động của các cơ quan với nhiều bài toán phải giải quyết.
Nguồn thu giảm trong khi nhiệm vụ nhiều hơn và đặc biệt là cạnh tranh thông tin trên mạng xã hội đòi hỏi chất lượng thông tin báo chí phải tốt hơn, đầu tư công sức nhiều hơn.
"Đặc thù cơ quan báo chí là lao động đêm hôm, sớm tối nhất là phóng viên nữ rất khó khăn, chỉ giảm thu một chút thôi là ảnh hưởng đến tinh thần, nỗ lực của anh chị em. Anh chị em rất yêu nghề, say sưa với nghề nhưng những áp lực này dội vào không nhỏ trong đời sống hàng ngày, phóng viên cũng phải lo cho gia đình, con cái đi học và nhiều nhu cầu khác nữa", ông Nghĩa nêu thực tế.
Theo đại biểu, cần giảm thuế xuống 10% với tất cả các loại hình báo chí, ngân sách nhà nước cũng không mất đi bao nhiêu nhưng là sự động viên rất quan trọng với báo chí.
"Giá trị giảm một chút nhưng tăng rất nhiều thứ, đặc biệt là tăng niềm tin, tăng giá trị văn hóa, tăng niềm tin cho anh em báo chí yêu nghề, tự tin, tự hào nghề", ông Nghĩa chia sẻ.
Tranh luận thêm, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhất trí việc coi báo chí là loại hình doanh nghiệp đặc biệt và cần có những ưu đãi thuế để khuyến khích các cơ quan truyền thông.
Song ông cho rằng sử dụng nguồn thu từ các nền tảng quốc tế như Facebook, Google để tài trợ cho báo chí trong nước không phù hợp với tinh thần của nền kinh tế thị trường.
Giải trình sau đó, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nếu Quốc hội đồng ý, Chính phủ sẽ thu thuế Thu nhập doanh nghiệp 10% với báo in và các loại hình báo chí khác, giúp cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Bên cạnh đó, theo ông các cơ quan báo chí có nhiều hình thức hỗ trợ như đặt hàng, quảng cáo. Với cơ quan báo chí chưa tự chủ Nhà nước vẫn cấp kinh phí bình thường.
Bình luận (0)