Nhiều nguy cơ
tin liên quan
Ở trọ, lo nhất cháy nhàKhu KTX của Trường ĐH Sài Gòn trên đường Nguyễn Kim, Q.5, TP.HCM cũng trong tình trạng cũ kỹ, không có hệ thống báo cháy tự động, thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng đơn giản khi dọc hành lang chỉ đặt vài bình chữa cháy xách tay loại nhỏ. Nơi này có sức chứa 384 SV, chủ yếu là diện chính sách. N.H.M, năm 3 ngành quản lý giáo dục, thừa nhận: “Nếu có cháy, chắc con gái tụi em chỉ biết tìm đường chạy cho nhanh, chứ bình chữa cháy cũng… vô nghĩa vì em không biết sử dụng”.
Tại KTX khu 3 tầng của Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM, bình chữa cháy được tập trung ở một góc dưới tầng trệt ngay dưới bức tường loang lổ ẩm thấp. Ở hành lang mỗi lầu cũng đặt vài bình nơi cuối dãy. KTX có dấu hiệu xuống cấp khi gạch lát nền ở hành lang bị bung nứt, lồi lõm mà chưa được sửa chữa. “Nếu cháy nhỏ, em nghe nói là bình tĩnh dùng bình xịt này sẽ dập tắt được. Nhưng tụi em không biết sử dụng nên chắc sẽ… chạy trước cho an toàn”, Thu Hà, SV ngành quản lý nhân sự, cười trừ.
|
Trong khi đó, KTX Trường Dự bị ĐH có 4 tầng, dù có camera giám sát, có bảo vệ trực đêm nhưng hệ thống PCCC cũng rất sơ sài khi mỗi tầng chỉ có 2 bình chữa cháy xách tay đặt trong tủ kính cũ kỹ, không có hệ thống báo cháy.
Đầu tư nhiều tiền nếu trang bị đúng chuẩn
Ông Vũ Văn Sửu, phụ trách KTX Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết đây là tòa nhà được xây dựng từ năm 1960, đến năm 1977 thành phố giao cho Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng tiếp quản. Từ đó đến nay, nơi này trở thành KTX và chỗ ở cho cán bộ giảng viên trong trường. Hiện có 43 phòng dành cho SV, mỗi phòng từ 4 - 6 người, 60 phòng dành cho cán bộ giảng viên. Tiến sĩ Lê Đình Kha, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, nói: “Tòa nhà này đã rất cũ, nên trường vẫn thường xuyên kiểm tra các điều kiện về an toàn nhằm hạn chế tối đa những nguy cơ về cháy nổ, đồng thời có tập huấn cho SV và cán bộ giảng viên những kỹ năng xử lý tình huống khi có cháy nổ xảy ra. Từ năm 2010, trường đã làm đề án xin UBND TP.HCM được xây dựng cơ sở 2 của trường tại khu ĐH tập trung ở xã Long Thới, H.Nhà Bè, để làm nơi đào tạo và KTX mới cho SV. UBND TP cũng đã duyệt chủ trương này, nhưng đến nay vẫn còn một số vướng mắc nên trường chưa thể triển khai”.
Nếu có cháy, chắc con gái tụi em chỉ biết tìm đường chạy cho nhanh, chứ bình chữa cháy cũng… vô nghĩa vì em không biết sử dụng
N.H.M, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn
|
Một nhân viên trong văn phòng quản lý KTX Trường ĐH Sài Gòn cũng cho biết trường đang chuẩn bị hoàn thiện khu KTX mới tại Q.8, TP.HCM.
Thạc sĩ Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhận định: “Bên cạnh những KTX cũ xây dựng từ quá lâu, không được trang bị đầy đủ hệ thống PCCC, thì nhiều trường ĐH hiện nay đã có những KTX hiện đại, đảm bảo an toàn. Để đầu tư xây dựng được hệ thống PCCC hiện đại, đạt chuẩn, có hệ thống báo cháy, máy phát điện tự động, có hệ thống bơm nước, bình chữa cháy, không gian tác nghiệp khi có sự cố… thì các trường phải chi một khoản tiền không hề nhỏ. Đó là chưa kể hằng quý, hằng năm phải bảo trì, bảo dưỡng định kỳ, phải bổ sung hoặc thay mới nếu thiết bị không còn đảm bảo…”.
Theo ông Thanh, đó là lý do không phải KTX nào cũng được đầu tư, nếu có cán bộ PCCC đến kiểm tra thì lại tìm cách đối phó. Ông Thanh chia sẻ thêm: “KTX của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM gồm 8 tầng được đưa vào sử dụng 3 năm nay. Công tác PCCC được trường đưa lên hàng đầu. Chúng tôi trang bị hệ thống đạt chuẩn, tập huấn cho cán bộ và SV hằng năm. Tuy nhiên, có một hạn chế là đa số SV chưa thấy được tầm quan trọng của việc này nên không quan tâm lắm”.
Bình luận (0)