Hiện tại, theo ông Dũng, NHNN đang học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới và tiến độ mới chỉ đang nghiên cứu. Còn với NFT, phía NHNN không chủ trì mà Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành khác phối hợp, vì đây là dạng tài sản kỹ thuật số.
Tác phẩm nghệ thuật Everydays: the First 5000 Days của nghệ sĩ Beeple được bán dưới dạng NFT |
CHỤP MÀN HÌNH |
Trên thực tế, theo các chuyên gia về công nghệ, ngay cả nhiều quốc gia phát triển trên thế giới thì NFT chưa được chấp nhận và thị trường này khó kiểm soát, có nhiều rủi ro từ việc không có cơ quan quản lý. Các tài sản NFT đang được định giá chỉ dựa vào niềm tin mà chưa có cơ chế phù hợp; những kẽ hở về bản quyền cùng với cơn sốt NFT như “bong bóng”… đang là vấn đề gây tranh cãi.
Trả lời báo chí, bà Nguyễn Lan Phương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, cho rằng NFT đang rơi vào “vùng xám” khiến cả người kinh doanh và người chơi có thể gặp rủi ro pháp lý bất cứ lúc nào. Do đó, vấn đề công nhận hay không công nhận các sản phẩm mã hóa như vật phẩm NFT, tiền mã hóa là tài sản hợp pháp rất quan trọng.
Chuyên gia này cũng bày tỏ quan điểm, nếu tiến tới công nhận các sản phẩm mã hóa này là tài sản thì vấn đề đặt ra tiếp theo là chúng sẽ thuộc loại tài sản nào trong 4 loại tài sản theo bộ luật Dân sự (gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản) hay được coi là một loại tài sản mới. “Dù có thể còn nhiều câu hỏi pháp lý nữa quanh vấn đề này, nhưng nhà nước vẫn cần sớm đưa ra quan điểm rõ ràng để đảm bảo lợi ích của cả chính quyền và người dân, thay vì bỏ ngỏ như hiện nay”, bà Phương kiến nghị.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc của Sky Mavis - công ty phát triển game NFT Axie Infinity đình đám toàn cầu, chia sẻ nếu VN xây dựng những quy định và luật lệ trong đầu tư và giao dịch tiền điện tử, thì các nhà đầu tư sẽ có một tấm khiên để bảo vệ mình trong không gian tiền điện tử. Chính sách về thuế và luật sở hữu tài sản là điều cần được ưu tiên và hoàn thiện sớm.
Ông Trung cũng đưa ra quan điểm rằng NFT nói riêng hay blockchain nói chung giúp chuyển dịch từ tài sản hiện hữu sang tài sản điện tử. Đây là loại tài sản mới mang đến nhiều lợi ích về giao dịch, mua bán, luân chuyển giá trị. Điều này đỏi hòi thách thức về khung pháp lý để quản lý, hỗ trợ các loại hình kinh doanh hoàn toàn mới như vậy.
Theo thông tin từ Bộ KH-CN, sắp tới Bộ sẽ ưu tiên triển khai chính sách thí điểm cho một vài doanh nghiệp thực hiện dự án blockchain khả thi, mang lại lợi ích rõ nét cho xã hội. Ngoài lĩnh vực tiền số và tài sản số mà VN vẫn đang thận trọng “dò đá qua sông”, các lĩnh vực khác được khuyến khích như truy xuất nguồn gốc, logistics…
Trong khi đó, một luật sư có tiếng tại Hà Nội cho rằng NFT là tài sản kỹ thuật số hay vật phẩm ảo chắc chắn không phải là tiền, cũng không phải là giấy tờ có giá. NFT có thể đưa vào trong loại tài sản thứ tư là quyền tài sản. Tuy nhiên, hiện các bộ, ngành chưa thống nhất quan điểm. Trong “cơn bão” của NFT, việc cần làm ngay là phải sớm có khung pháp lý để điều chỉnh. Điều này sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho các đối tượng tham gia và cũng tạo ra nguồn thu ngân sách lớn cho nhà nước thông qua việc thu thuế.
Bình luận (0)