Nga cấm ngư dân Anh vào biển Barents đánh cá

Khánh An
Khánh An
22/02/2024 16:15 GMT+7

Nga rút khỏi thỏa thuận thời Liên Xô cũ từng cho phép các tàu của Anh đánh bắt nguồn hải sản ở biển Barents.

Nga cấm ngư dân Anh vào biển Barents đánh cá- Ảnh 1.

Biển Barents là nơi sinh sống của nhiều loài cá tuyết

IMR

Đài RT ngày 22.2 đưa tin Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga vừa thông qua dự luật mới cấm ngư dân Anh hoạt động ở vùng biển Barents, một trong những ngư trường lớn nhất thế giới về cá tuyết và cá tuyết chấm đen.

Dự luật có nội dung hủy bỏ một thỏa thuận được ký kết giữa chính phủ Liên Xô cũ với Vương quốc Anh và Bắc Ireland vào năm 1956.

Thỏa thuận này vốn cho phép các tàu cá của Anh hoạt động ở vùng biển Barents ngoài khơi phía bắc bán đảo Kola. Ban đầu, thỏa thuận có thời hạn 5 năm và tự động gia hạn mỗi lần thêm 5 năm nếu không có bên nào rút.

"Thật không may, thỏa thuận này đã mang tính phiến diện khi chỉ trao thẩm quyền và quyền đánh bắt cá cho các đối tác của chúng tôi vào thời điểm đó", theo Thứ trưởng Nông nghiệp Nga Maksim Uvaidov nói về nội dung thỏa thuận.

Ngoài ra, ông nói thêm rằng thỏa thuận đã không cung cấp cho các ngư dân Liên Xô cũ quyền đánh bắt tương tự.

Xét quyết định của Vương quốc Anh tước bỏ quy chế "quốc gia được ưu đãi nhất" đối với Nga vào năm 2022, dẫn đến việc tăng thuế 35% đối với hàng hóa của Nga, Moscow nói rằng việc chấm dứt thỏa thuận thời Liên Xô cũ "sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng về chính sách đối ngoại hoặc kinh tế" của đất nước.

Người châu Âu bi quan về cơ hội chiến thắng của Ukraine

Bình luận về luật này, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin nói rằng với việc hủy bỏ thỏa thuận, Nga đang lấy lại quyền sở hữu của mình đối với loài cá mà Anh đã tiêu thụ trong nhiều thập niên.

"Ông ấy (Tổng thống Vladimir Putin) đã lấy lại cá cho chúng tôi, bởi vì người Anh đã ăn chúng suốt 68 năm. Họ đã áp đặt các biện pháp cấm vận đối với chúng tôi, trong khi bản thân họ có 40% khẩu phần trong thực đơn cá của họ là từ cá tuyết của chúng tôi. Hãy để họ giảm cân từ bây giờ", theo ông Volodin.

Năm ngoái, trang Sky News cho rằng có đến 40% cá tuyết và cá tuyết chấm đen tiêu thụ tại Anh có nguồn gốc từ Nga.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.