Nga cảnh báo sau khi tướng Mỹ nói có thể phá hủy vũ khí ở Kaliningrad

Văn Khoa
Văn Khoa
21/09/2019 19:30 GMT+7

Nga cảnh báo “tất cả kế hoạch có vẻ ổn cho đến khi một trận chiến bắt đầu” sau khi quân đội Mỹ nói có thể phá hủy hệ thống phòng không tiên tiến ở vùng Kaliningrad và được cho là đã diễn tập làm điều này.

Mới đây, tướng Jeff Harrigan, chỉ huy Lực lượng không quân Mỹ ở châu Âu, cho giới phóng viên hay “nếu chúng tôi đến đó để phá hủy Kaliningrad IADS [hệ thống phòng không tích hợp], chắc chắn chúng tôi sẽ có kế hoạch cho việc đó”, theo trang Breaking Defense. Ông Harrigan cho biết thêm một chiến dịch như thế sẽ phải diễn ra đúng thời điểm và đạt hiệu quả, nhưng không cung cấp chi tiết.
Trong bài bình luận đăng trên chuyên san The National Interest, nhà phân tích hình ảnh độc lập Stephen Watkins cho hay hồi tháng 3, một số máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã tiến hành cuộc tấn công tên lửa giả nhắm vào Kaliningrad.
Current Time0:00
/
Duration0:00

0:00

[VIDEO] Xem hải quân Nga tập trận quy mô lớn tại Bắc Cực

Đến ngày 20.9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích phát biểu của tướng Harrigan là “một mối đe dọa” và “hoàn toàn vô trách nhiệm”. Bộ Quốc phòng Nga thì ra thông cáo nhấn mạnh “vùng Kaliningrad của Nga được bảo vệ tốt từ các “kế hoạch” xâm lược đang được các tướng Mỹ phát triển ở châu Âu”. Bộ này còn nhấn mạnh hệ thống phòng không được triển khai đến Kaliningrad có thể theo dõi và vô hiệu hóa bất kỳ chiến đấu cơ do NATO triển khai, theo mạng truyền hình Zvezda.
"Điều này áp dụng đối với chiến đấu cơ Mỹ thế hệ năm [F-35] “vô hình”, vốn chỉ không thể nhìn thấy đối với người Mỹ đóng thuế và những khách hàng nước ngoài", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, đồng thời lưu ý một thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ đã bất chấp nguy cơ không sở hữu được F-35 bằng cách mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Current Time0:00
/
Duration0:00

0:00

[VIDEO] NATO rầm rộ tập trận phòng không lớn nhất ở châu Âu tại Ba Lan

Cũng theo bộ này, phát ngôn của tướng Harrigan gây quan ngại cho binh sĩ Mỹ khi “tất cả kế hoạch có vẻ ổn cho đến khi một trận chiến bắt đầu”.
Kaliningrad, thuộc châu Âu nằm giữa Ba Lan và Lithuania, hai quốc gia thành viên NATO, được trang bị cả S-300 lẫn S-400, hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion, hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và một số vũ khí khác. Đây cũng là nơi quân đội Nga thường xuyên tổ chức tập trận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.