Nga chuẩn bị tinh thần cho cảnh giá dầu thấp lâu dài

15/10/2016 15:10 GMT+7

Chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa thiết lập dự thảo ngân sách trong ba năm kế tiếp với giả định bán dầu với giá 40 USD/thùng.

Nga đang đặt cược vào chuyện giá dầu sẽ rẻ trong thời gian dài vì mức giá trên thấp hơn ngưỡng hiện hành 10 USD mỗi thùng. Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ nhì sau Ả Rập Xê Út. Nước này mới đây bàn bạc với quốc gia Trung Đông và các nhà sản xuất khác thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về việc hạn chế sản lượng, hỗ trợ giá cả.
Ngân sách của ông Putin cho thấy Tổng thống Nga muốn chuẩn bị tinh thần cho trường hợp thỏa thuận cắt giảm sản lượng sơ bộ của OPEC hồi tháng trước không được thực hiện hoặc không hiệu quả. Điều này cũng cho thấy ông Putin đã học được bài học đau đớn. Năm 2015, chính phủ Nga tính toán ngân sách với giả định bán dầu giá 100 USD/thùng, gấp đôi giá cả thực tế.
Giá dầu lao dốc buộc chính phủ cắt giảm chi tiêu. Người Nga vì thế chịu ảnh hưởng khi phải xoay sở với tiền lương giảm còn giá cả tăng. Một số người thậm chí đã xuống đường để biểu tình công khai, một hoạt động hiếm thấy.
Ngân sách cho năm 2016 xây dựng trên mức giá dầu 50 USD/thùng, hơn 10 USD mỗi thùng so với mức giá trung bình trong chín tháng đầu năm nay. Một lần nữa, chính phủ Nga phải thay đổi dự trù ngân sách. Đầu tháng 10, Nga chỉnh sửa ngân sách cho phù hợp với chi tiêu quốc phòng cao hơn. Tiền thưởng một lần cho người về hưu sẽ được trả vào tháng 1.

tin liên quan

Dự trữ tiền tệ Nga có thể cạn kiệt vào năm 2016

(TNO) Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov vào hôm 27.10 cho hay nguồn dự trữ tiền tệ của nước này có nguy cơ bị cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2016 nếu giá dầu cứ nằm ở mức quá thấp như hiện tại.

Động thái này khiến thâm hụt ngân sách giờ đây được dự kiến chạm 3,7% GDP, cao hơn mục tiêu chính thức là 3%. Chính phủ Nga hiện kỳ vọng thâm hụt giảm, xuống chỉ hơn 3% một chút vào năm sau. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev mới đây cho hay Nga không thể tiếp tục sống trong nợ nần. Ông yêu cầu hạ thêm chi tiêu, muốn thâm hụt ngân sách về dưới 1,2% GDP trong năm 2019.
Tuy nhiên, ông Putin tiến tới cuộc bầu cử năm 2018 vào giữa chu kỳ ngân sách, điều đó sẽ giới hạn mức độ cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế, chuyên gia kinh tế Anna Zadornova thuộc ngân hàng UBS cho hay.
Nga đang rất cần trật tự hóa tình hình tài chính vì dự trữ tiền mặt của họ bốc hơi nhanh. Giới phân tích dự báo dự trữ Nga giảm xuống còn 15 tỉ USD cuối năm nay và cạn kiệt không lâu sau đó. Tháng 9.2014, trước khi giá dầu sụt giảm, số liệu trên là 91,7 tỉ USD.
Các chuyên gia đang hoài nghi về việc liệu Nga có thể gắn bó với kế hoạch ngân sách trên hay không. “Việc Nga không thể theo chặt kế hoạch tài chính ngay cả trong chỉ vài tháng làm yếu các mục tiêu chi tiêu, thâm hụt cho năm 2017 và xa hơn nữa”, các nhà phân tích thuộc Eurasia Group viết.
Nga cố gắng bớt phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt. Năng lượng hiện chiếm 37% nguồn thu chính phủ so với cách đây hai năm là 50%. Eurasia Group cho rằng chính phủ Nga vẫn đang chọn cách thắt lưng buộc bụng nhiều hơn là cải cách kinh tế thực sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.