Nga dạm bán tàu sân bay hạt nhân cho Ấn Độ

11/07/2016 23:16 GMT+7

Nga đã đề nghị bán cho Ấn Độ tàu sân bay hạt nhân Storm mà nước này đang phát triển, theo trang Defense News ngày 11.7 dẫn lời quan chức cấp cao Hải quân Ấn Độ.

Một quan chức ngoại giao tại Đại sứ quán Nga cũng xác nhận rằng một nhóm đại diện của Nga đã đến thăm Ấn Độ hồi tuần trước và đưa ra lời đề nghị, theo Defense News ngày 11.7. Tàu sân bay Storm, còn gọi là Shtorm hay Dự án 23000E, do Trung tâm nghiên cứu nhà nước Krylov (KSRC), một công ty nghiên cứu và đóng tàu của Nga thiết kế.
Dự án 23000E được tiết lộ vào tháng 5.2015, là tàu sân bay đa nhiệm, phục vụ các chiến dịch ở những vùng biển xa, có thể triển khai lực lượng đương đầu với các mục tiêu trên bờ hay trên không, giúp đảm bảo tính ổn định của lực lượng hải quân, bảo vệ lính đổ bộ và hỗ trợ phòng không. Tàu có lượng giãn nước 100.000 tấn, dài 330 m, rộng 40 m.
Ấn Độ được cho là đang phân vân trong việc tự đóng hay mua một tàu sân bay hạt nhân mới AFP
TASS hồi tháng 1.2015 dẫn lời đô đốc Vladimir Korolyov, tư lệnh Hạm đội Phương Bắc của Nga cho biết tàu sân bay này sẽ có giá khoảng 5,6 tỉ USD và không có tàu nào trên thế giới sánh bằng.
Ấn Độ đang phân vân giữa việc nên đóng hay mua một tàu sân bay hạt nhân. Nước này dự tính tự đóng chiếc tàu sân bay thứ 2 có tên INS Vishal. Tàu này sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân, dài 300 m, rộng 70 m và lượng giãn nước 65.000 tấn.
Defense News dẫn lời chuyên gia phân tích quốc phòng Nitin Mehta nhận định rằng Ấn Độ muốn có một tàu sân bay hạt nhân. Tuy nhiên do không dễ để đạt được công nghệ này nên Ấn Độ sẽ cần sự giúp đỡ thiết kế và phát triển từ quốc tế.
Mỹ đã đề xuất chuyển giao hệ thống phóng máy bay bằng điện từ (EMALS) cho Ấn Độ, tuy nhiên không bao gồm công nghệ động cơ hạt nhân tạo sức đẩy cho con tàu. Một quan chức Hải quân Ấn Độ nói rằng nước này cần phải bỏ ra ít nhất 12 tỉ USD để mua một tàu sân bay chạy bằng động cơ hạt nhân có trang bị hệ thống EMALS. Tuy nhiên chính phủ nước này sẽ không bao giờ phê chuẩn cho một hợp đồng như vậy.
Còn ông Anil Jai Singh, tướng về hưu Hải quân Ấn Độ cũng nghi ngờ về việc nước này sẽ mua một tàu sân bay hạt nhân vì tàu sân bay loại này rất đắt tiền. Ông cho rằng Ấn Độ sẽ chưa thể có được vị thế toàn cầu trong 15 năm tới để tương xứng với số tiền bỏ ra mua loại tàu sân bay đắt tiền này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.