Theo Reuters, công ty khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom ngày 27.4 thông báo đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vì các nước này không đồng ý mua năng lượng bằng rúp Nga. Động thái này được thực hiện theo sắc lệnh Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký vào cuối tháng 3.
Moscow muốn làm gì ?
Sau thông báo của Gazprom, Bulgaria chỉ trích Nga sử dụng khí đốt làm “vũ khí chính trị và kinh tế”. Trong khi đó, châu Âu gọi hành động của Nga là “tống tiền”.
Các giếng khí đốt tại mỏ khí đốt Bovanenkovo thuộc sở hữu của Gazprom trên bán đảo Yamal, Nga vào năm 2019 |
Reuters |
Quyết định cắt khí đốt đến Bulgaria và Ba Lan của Nga không gây ngạc nhiên. Từ lâu, Washington đã cảnh báo về việc Moscow có thể “vũ khí hóa” năng lượng. Tuy vậy, đây được xem là một canh bạc nhiều rủi ro của Điện Kremlin vì năng lượng là một nguồn thu lớn của Nga trong bối cảnh kinh tế nước này đang gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt.
CNN dẫn lời các nhà quan sát nhận định động thái này đánh dấu sự leo thang đáng kể trong xung đột kinh tế giữa Nga và phương Tây. Đồng thời, đây cũng là đòn trả đũa các lệnh trừng phạt quốc tế cứng rắn nhất từ trước đến nay Moscow đưa ra nhắm trực tiếp vào các nền kinh tế châu Âu.
EU lên án quyết định ngừng cung cấp khí đốt đến Ba Lan, Bulgaria của Nga |
Trong một báo cáo, các nhà phân tích của Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro, còn cho rằng Nga chắc chắn đang phản ứng với việc phương Tây tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. “Điều này cho thấy Tổng thống Putin sẵn sàng đánh đổi nguồn thu”, báo cáo viết.
Châu Âu đối mặt khủng hoảng năng lượng
Theo báo The Guardian, Ba Lan đã có kế hoạch dài hạn để bảo vệ mình trước quyết định của Nga như xây dựng nhà ga nhập khẩu khí đốt hóa lỏng. Warsaw cũng sẽ không tiếp tục ký hợp đồng với Gazprom vào cuối năm nay. Trong khi đó, Bulgaria cho biết nước này có đủ khí đốt và có thể được Hy Lạp giúp đỡ.
Vì vậy, việc Nga cắt khí đốt của Ba Lan và Bulgaria có thể không gây thiệt hại ngay lập tức cho kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, tờ The New York Times dẫn lời các nhà kinh tế cho biết tăng trưởng kinh tế châu Âu có thể chậm lại nếu khối này cấm vận năng lượng Nga hoặc biện pháp trả đũa của Nga lan sang nước khác.
Nhận thức được điều này, châu Âu đang cố gắng dứt ra khỏi năng lượng Nga. Sau thông báo ngày 27.4 của Gazprom, chính phủ Áo, nước phụ thuộc 80% vào khí đốt Nga, cho biết nước này đang tìm nguồn cung thay thế. Theo Reuters, EU cũng đã tuyên bố khối này muốn cắt giảm 2/3 lượng khí đốt Nga cung cấp trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga trước năm 2030.
Doanh thu xuất khẩu nhiên liệu của Nga tăng gấp đôi mặc cấm vận |
EU cũng đang liên tục cảnh báo các quốc gia thành viên không được nhượng bộ trước yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng rúp. Khối này cũng đang tập trung nguồn lực để đưa ra phản ứng trước hành động gia tăng căng thẳng của Moscow. Ngày 2.5, các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ họp tại Pháp để thảo luận về cách đối phó nguy cơ khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Chiến sự thêm căng thẳng
Trong một bài phát biểu trước các nghị sĩ Nga ngày 28.4, Tổng thống Vladimir Putin đã đe dọa sẽ phản ứng “thần tốc” nếu bất kỳ quốc gia phương Tây nào can thiệp vào vấn đề Ukraine. Bộ Tư lệnh quân sự của Ukraine cho biết Nga đang tăng tốc độ tiến công và không kích gần như ở mọi hướng. Nga chưa xác nhận các thông tin này.
Hãng tin RIA dẫn lời một nguồn tin an ninh cho biết Ukraine ngày 28.4 đã bắn 3 tên lửa vào trung tâm thành phố Kherson ở miền nam, nơi đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, nhưng 2 tên lửa trong số đó đã bị bắn hạ. Ukraine chưa bình luận về thông tin này.
Ngày 28.4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc phương Tây công khai kêu gọi Ukraine tấn công Nga. Bà Zakharova cũng cảnh báo rằng Moscow sẽ đáp trả nếu lãnh thổ Nga bị tấn công. Trước đó, Reuters đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố việc lực lượng Ukraine tấn công lực lượng hậu cần của Nga là hợp pháp, nhưng họ không thể dùng vũ khí Anh.
Cùng ngày, Tổng thư ký LHQ António Guterres đã đến Ukraine sau cuộc gặp với ông Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Moscow.
Bình luận (0)