Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chào Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trước thềm hội nghị thượng đỉnh “Đối tác phía Đông” hôm 15.12 |
reuters |
Tại cuộc gặp với Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Âu Karen Donfried ngày 15.12, Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov chuyển đề xuất của Điện Kremlin, theo đó yêu cầu NATO ngừng các động thái “đông tiến” ở châu Âu, theo Reuters.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ nước này đang tìm cách ngăn chặn các nỗ lực của Mỹ và NATO “nhằm thay đổi tình hình quân sự-chính trị ở châu Âu theo hướng có lợi cho họ”.
Trao đổi với giới báo chí trong ngày, Cố vấn đối ngoại của Điện Kremlin Yuri Ushakov xác nhận phía Nga đã chuyển đề xuất trên cho Trợ lý Donfried. Còn bà Donfried khẳng định Mỹ sẽ chia sẻ yêu cầu của Nga cho các đồng minh và đối tác tại châu lục.
Nga úp mở khả năng triển khai tên lửa tầm trung đối đầu NATO |
Cũng trong ngày 15.12, ông Oleksiy Danilov, Bộ trưởng Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, cho biết Nga vẫn chưa có động thái rút quân khỏi khu vực biên giới. “Chẳng có gì thay đổi”, Reuters dẫn lời ông Danilov.
Theo quan chức Ukraine, Nga tiếp tục duy trì khoảng 92.000 quân tại biên giới. Tuy nhiên, ông thừa nhận chưa có dấu hiệu cho thấy Moscow sắp có ý định tấn công. Ông Danilov tính toán Nga ít nhất cần 500.000 đến 600.000 quân nếu muốn kiểm soát biên giới trong trường hợp bùng nổ xung đột. Và Nga cần hơn 24 giờ nếu muốn tập trung đủ quân số.
Chính quyền Ukraine hy vọng phương Tây sẽ hỗ trợ vũ khí, khí tài nếu xảy ra xung đột biên giới với Nga. Tuy nhiên, đề xuất mới của Nga có điều khoản yêu cầu Mỹ và NATO không triển khai các hệ thống vũ khí trên lãnh thổ Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan, hội nghị thượng đỉnh Đối tác phía Đông khai mạc tại Brussels (Bỉ) vào 22 giờ đêm 15.12 (giờ Việt Nam). Lãnh đạo các nước Ukraine, Moldova, Georgia, Armenia và Azerbaijan đối thoại với lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Trong số này, Georgia, Moldova và Ukraine đều có những vấn đề tại biên giới với Nga. Còn các lãnh đạo Armenia và Azerbaijan vẫn tham gia thượng đỉnh nhưng không tìm cách gia nhập EU.
Cùng ngày, tòa án Đức công bố phán quyết cho rằng Nga đã chỉ đạo vụ ám sát ông Tornike Kavtarashvili, cựu thủ lĩnh Chechnya, tại một công viên ở thủ đô Berlin ngày 23.8.2019. Phán quyết trên lập tức gây phản ứng từ Nga. Chính quyền Moscow lên án đây là đòn chính trị nhằm bôi xấu hình ảnh của Nga.
Bình luận (0)