Theo CNN, đợt giải cứu mới nhất được Ngân hàng Trung ương Nga xác nhận hôm 21.9. Cụ thể, nước này quốc hữu hóa nhà băng lớn thứ tám đất nước xét theo giá trị tài sản là B&N Bank. Hồi cuối tháng 8, Otkritie Bank, ngân hàng tư nhân lớn nhất Nga, cần gói cứu trợ để lấp lỗ hổng 7 tỉ USD trong bảng cân đối tài chính.
Việc hai nhà băng lớn liên tiếp được cứu trợ làm dấy lên câu hỏi về sức khỏe của ngành ngân hàng Nga, vốn chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Dù vậy theo chuyên gia William Jackson thuộc Capital Economics, dấu hiệu khủng hoảng có thể lan từ ngân hàng này sang ngân hàng khác và để lại thiệt hại kinh tế đáng kể vẫn chưa xuất hiện.
Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Vasily Posdyshev cho hay: “Hiệu ứng domino có thể được loại trừ hoàn toàn”. Ông Posdyshev khẳng định với báo giới rằng không có rủi ro nào trong ngành ngân hàng Nga.
Giám đốc điều hành B&N Bank Mikail Shishkhanov cho biết công ty ông bị mắc kẹt giữa nhiều tin đồn sau đợt giải cứu nhà băng Otkritie Bank. Ông Shishkhanov cố gắng thuyết phục giới đầu tư tin rằng tiền gửi của họ vẫn an toàn trong ngân hàng, song không thành công.
Ngân hàng Nga đang chịu áp lực vì cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng bắt đầu từ năm 2014 vì giá dầu thấp và lệnh trừng phạt từ phương Tây. Số liệu thống kê chính thức cho thấy có 22 triệu người Nga đang sống dưới mức nghèo, tăng từ mức 16 triệu người trước thời khủng hoảng.
Suy thoái trước đó bắt nguồn từ sự bùng nổ tín dụng. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, nợ tư nhân của Nga tăng từ 50% trong năm 2005 lên gần 90% trong năm 2015. Chuyên gia Jackson cho hay cùng với sự lao dốc của giá dầu và đồng rúp, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp chật vật để trả nợ. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Nga hiện là 10%, cao hơn so với mức 6% trước khi giá dầu đi xuống.
Dù vậy, vấn đề thực tế có thể còn tệ hơn so với những gì số liệu chính thức thể hiện. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo Moscow rằng hệ thống ngân hàng Nga có thể không thông báo toàn diện tình hình nợ xấu. IMF cho hay tỷ lệ nợ xấu thực tế có thể lên đến 13,5%. Ngân hàng Trung ương Nga đã cho đóng cửa 300 nhà băng, đa số là ngân hàng nhỏ, trong những năm gần đây.
Kinh tế Nga hiện phục hồi từ suy thoái và thành phần cốt lõi trong hệ thống ngân hàng Nga dường như đang mạnh hơn. Ba nhà băng lớn nhất nắm giữ khoảng 50% tài sản đất nước và đều là ngân hàng quốc doanh. Otkritie, nhà băng tư nhân lớn nhất, thì chỉ nắm 3,5% tổng tài sản. Nhìn chung, tình hình tài chính Nga vẫn tương đối tốt. Moscow chỉ có mức thâm hụt ngân sách nhỏ và nợ chính phủ tương đối thấp, ở mức dưới 20% GDP.
tin liên quan
Ngân hàng Nga chuẩn bị xong hệ thống thay thế SWIFTHiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) bị đóng cửa ở Nga, hệ thống ngân hàng của nước này vẫn không sụp vì đã có hệ thống mới thay thế.
Bình luận (0)