Ngã rẽ đến với chế tác mô hình của chàng trai làm nhân sự

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
05/04/2023 08:00 GMT+7

Sau 5 năm lao động tại Nhật Bản, anh Chế Hoài Kết (ngụ tại khu phố An Dưỡng 2, P.Hoài Tân, TX.Hoài Nhơn, Bình Định) học được nghề thiết kế, chế tác mô hình, đúc tượng… để tiếp tục theo đuổi đam mê mỹ thuật và tạo việc làm cho gia đình.

KẾT NỐI NHỮNG NGƯỜI CÙNG SỞ THÍCH

Anh Kết tốt nghiệp ĐH chuyên ngành quản trị nhân sự rồi tìm được việc làm tại một ngân hàng ở TP.HCM. Dù được làm việc đúng chuyên ngành đã học nhưng anh Kết lại thích theo đuổi niềm đam mê mỹ thuật vì bản thân có năng khiếu vẽ và làm mô hình.

Ngã rẽ đến với chế tác mô hình của chàng trai làm nhân sự - Ảnh 1.

Anh Kết giới thiệu về tượng được làm bằng nhựa

HOÀNG TRỌNG

Sau khi kết hôn, vợ anh Kết làm việc cho một công ty của Nhật tại TP.HCM và có quan hệ thân thiết với vợ chồng nữ giám đốc người Nhật Bản của doanh nghiệp này. Biết đam mê của anh Kết nên nữ giám đốc này giới thiệu một công ty tại Nhật Bản chuyên sản xuất mô hình anime (mô hình về nhân vật trong những bộ truyện tranh ở Nhật Bản) và các mô hình cho sự kiện.

Năm 30 tuổi, anh Kết quyết định nghỉ việc tại ngân hàng để sang Nhật Bản làm việc với mong muốn vừa làm vừa học được nghề mà mình yêu thích.

Tại Nhật Bản, anh Kết được đào tạo để làm công việc chế tác mô hình. Sau một thời gian làm việc và học tập, được sự hướng dẫn từ các đồng nghiệp người Nhật, anh học thêm các công đoạn để có thể tự làm một mô hình hoàn thiện, như: thiết kế mô hình, làm khuôn mẫu, sơn, vẽ chi tiết…

Ngã rẽ đến với chế tác mô hình của chàng trai làm nhân sự - Ảnh 1.

Anh Kết giới thiệu về cách làm mô hình bằng máy in 3D

Hoàng Trọng

"Điều may mắn là tôi được giới thiệu đúng công ty có công việc mình yêu thích. Rồi đi làm thì gặp được nhiều bạn bè đồng nghiệp ở Nhật Bản yêu mến người VN, luôn sẵn sàng hỗ trợ, chỉ dẫn cho tôi những điều cần thiết", anh Kết kể.

Làm việc tại Nhật Bản được 5 năm, anh Kết xin nghỉ để về VN cho gần gia đình. Năm 2022, anh Kết đầu tư hơn 100 triệu đồng dựng nhà xưởng rộng khoảng 50 m2 trong vườn nhà, mua máy in 3D, máy móc dụng cụ, nguyên liệu… để chế tác mô hình. Khi chưa có các đơn hàng lớn, anh Kết sản xuất các loại lịch bloc, sơn sửa lại tượng cũ, làm tượng, mô hình… bằng nhựa giả gỗ để phục vụ người dân địa phương.

Được sự giới thiệu và ủng hộ từ các đồng nghiệp cũ tại ngân hàng, anh Kết đã nhận được những đơn hàng đầu tiên như: cúp thể thao, tượng Doraemon, Nobita, tượng chibi thần tài, tượng linh vật mèo... Sau đó, anh Kết nhận thêm nhiều đơn hàng lớn khác, như: mô hình đầu rồng Nam Mỹ, cúp giải đua xe đạp, làm tượng Phật, tượng linh vật phong thủy, tượng cho các cơ sở tôn giáo…

"Thời gian lao động ở Nhật Bản, tôi có đăng các tác phẩm mình làm được lên Facebook để giao lưu với nhiều người có cùng đam mê chế tác mô hình ở VN. Sau đó, chúng tôi có 1 nhóm chung để mọi người giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Bây giờ, nhiều người bạn trên nhóm này cũng có thể chia sẻ, giới thiệu đơn hàng cho nhau. Tôi cũng giữ mối quan hệ với các anh, chị đồng nghiệp người Nhật làm chung công ty ở Nhật Bản, trong quá trình chế tác mô hình gặp khó khăn thì nhờ họ giúp đỡ, hỗ trợ mình", anh Kết cho biết.

MÔ HÌNH thanh NIÊN SÁNG TẠO

Trong quá trình sản xuất, anh Kết đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị mới để đáp ứng nhu cầu công việc. Đến nay, cơ sở của anh Kết chuyên sản xuất các sản phẩm như: mô hình bằng chất liệu nhựa composite, các loại tượng (tượng Phật, tượng phong thủy), linh vật, mô hình cho các sự kiện, cúp thể thao, vật lưu niệm… Theo anh Kết, các sản phẩm này ngày càng chiếm ưu thế hơn so với các sản phẩm bằng đồng hoặc kim loại khác do giá thành rẻ hơn, thời gian làm nhanh hơn và mẫu mã đa dạng hơn.

Ngã rẽ đến với chế tác mô hình của chàng trai làm nhân sự - Ảnh 3.

Mô hình đầu rồng Nam Mỹ được sản xuất tại cơ sở của anh Kết

HOÀNG TRỌNG

"Muốn tạo một nhân vật có hồn thì khâu quan trọng là thiết kế, tạo chi tiết trên máy tính. Sau đó, chế tác mô hình mẫu để xem trong thực tế, nếu không đạt yêu cầu thì chỉnh sửa lại cho phù hợp. Hiện nay nhờ có công nghệ in 3D nên vấn đề làm mô hình mẫu được giải quyết nhanh hơn", anh Kết chia sẻ.

Hiện cơ sở của anh Kết có 3 lao động là người trong gia đình, thu nhập bình quân mỗi người khoảng 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất của anh Kết gặp khó khăn vì thiếu người làm. "Tài chính thì còn xoay xở được chứ nhân sự trong nghề này rất khó tìm. Muốn theo đuổi nghề này phải là người có đam mê, khéo tay, chịu khó thì mới học hỏi để làm được", anh Kết nói.

Theo anh Phạm Ngọc Hoan, Phó bí thư Thị đoàn Hoài Nhơn, nghề thiết kế, chế tác mô hình, đúc tượng… bằng nhựa có nhiều ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, còn các tỉnh, thành khác có ít người làm. Cơ sở sản xuất của anh Kết là một trong những mô hình thanh niên sáng tạo trên địa bàn TX.Hoài Nhơn.

"Để tạo điều kiện cho anh Kết, Thị đoàn Hoài Nhơn chủ động giới thiệu sản phẩm của anh, đặc biệt là các sản phẩm làm hàng lưu niệm, quà tặng mang đặc trưng của quê hương Hoài Nhơn tại các hội nghị, hội thảo. Đồng thời, chúng tôi cũng tạo điều kiện để anh Kết tham gia các chương trình triển lãm, quảng bá sản phẩm được tổ chức ở địa phương", anh Hoan nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.