Nga tạm ngừng bắn, mở hành lang nhân đạo ở Ukraine

09/03/2022 08:05 GMT+7

Sau thời gian gia tăng áp lực quân sự trên khắp Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga hôm qua tuyên bố mở đồng loạt các hành lang nhân đạo tại nhiều thành phố để sơ tán dân thường.

Hãng thông tấn Interfax dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga với nội dung lực lượng Nga tại Ukraine ngừng bắn từ 14 giờ ngày 8.3 (giờ VN), tạo điều kiện cho đối phương sơ tán người dân ở Kyiv, Cherhihiv, Sumy, Kharkiv và Mariupol.

Những người di tản ở biên giới Ba Lan - Ukraine ngày 8.3

AFP

Gia tăng áp lực khắp Ukraine

Trước khi ngừng bắn, lực lượng Nga đã gia tăng áp lực trên khắp lãnh thổ Ukraine, Hãng tin AFP dẫn các nguồn tin. Tại cuộc họp báo hôm 7.3, ông John Kirby, người phát ngôn Lầu Năm Góc, dẫn phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy nhiều khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa gần như toàn bộ lực lượng đóng dọc biên giới trước đó vào lãnh thổ Ukraine. Phương Tây ước tính Nga tập trung hơn 150.000 quân tại các khu vực gần biên giới với Ukraine trước khi Tổng thống Putin tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt tại láng giềng.

Cũng theo phân tích tình báo của Lầu Năm Góc, Nga trong vài ngày qua tăng cường triển khai các đợt tấn công tầm xa, phối hợp các hoạt động ném bom, phóng rốc két, đạn pháo và phóng hơn 625 tên lửa. Trước thời điểm ngừng bắn để tạo điều kiện di tản dân thường, các đợt pháo kích gia tăng khắp thủ đô Kyiv, Kharkiv, Chernihiv ở miền bắc và Mykolaiv, Mariupol ở miền Nam, theo ông Kirby. Bên cạnh đó, quan ngại đang tiếp tục gia tăng đối với Odessa, cảng chính và là trung tâm kinh tế then chốt của Ukraine. Tuy nhiên, Đài CNN dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ tiết lộ Lầu Năm Góc “chưa ghi nhận bất kỳ manh mối nào cho thấy Nga có chuyển động quân sự liên quan đến Odessa”.

Ukraine bắt đầu sơ tán dân theo 'hành lang nhân đạo'

Trong khi đó, tờ ThezGuardian dẫn thông tin từ nhánh tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine cho rằng thiếu tướng Vitaly Gerasimov, Tham mưu trưởng và phó chỉ huy thứ nhất quân đoàn 41 của Quân khu Trung tâm Nga, đã tử trận ở ngoại ô Kharkiv (miền đông Ukraine). Toàn bộ các thông tin trên đều chưa được phía Nga xác nhận. Theo Sputnik, Tổng thống Putin khẳng định chỉ có quân nhân chuyên nghiệp tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Lính nghĩa vụ và lính dự bị sẽ đứng ngoài chiến dịch này.

Quay lại quan hệ thời Chiến tranh lạnh ?

Hôm qua, Interfax dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cho rằng có lẽ Mỹ và Nga nên quay lại nguyên tắc “cùng tồn tại hòa bình” như thời Chiến tranh lạnh. Bộ Ngoại giao nước này bày tỏ sẵn sàng đối thoại trên tư thế tôn trọng lẫn nhau với Mỹ, đồng thời hy vọng khôi phục quan hệ bình thường với Mỹ trong thời gian tới.

Chưa rõ phản hồi của Mỹ về đề nghị trên của Nga. Ngày 7.3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo về việc đưa thêm lực lượng gồm 500 quân đến châu Âu, nhằm mục đích chi viện cho các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm Ba Lan, Romania, Đức và Hy Lạp.

Trong chuyến thăm chính thức Lithuania diễn ra cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ sự ủng hộ đối với khả năng NATO triển khai quân thường trực tại các nước Baltic. Từ tháng 2 đến nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triển khai bổ sung 12.000 lính cho châu Âu, nhưng ông Biden nhấn mạnh quân Mỹ sẽ không tham chiến ở Ukraine.

"Lính tình nguyện" nước ngoài nói gì khi đến Ukraine?

Trong một diễn biến liên quan, tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã có chuyến thăm bất ngờ đến một sân bay không được tiết lộ gần biên giới Ukraine. Đài CNN dẫn nguồn thạo tin cho hay sân bay đã được chuyển thành trung tâm vận chuyển vũ khí của NATO cho Ukraine. Vẫn chưa rõ sân bay nằm ở nước nào.

Chưa có đột phá trên bàn đàm phán

Vòng đàm phán hòa bình thứ ba giữa Nga và Ukraine tại Belarus cuối ngày 7.3 đã không tạo ra bước đột phá đáng kể nào, tương tự như hai lần trước đó. Sự bế tắc vẫn tồn tại khi những yêu cầu của Nga không được Ukraine chấp nhận tuy hai bên xác nhận có một số kết quả tích cực về việc mở các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi các thành phố. Vòng đàm phán thứ tư sẽ diễn ra tại Belarus nhưng chưa rõ thời điểm.

Trong khi đó, ngoại trưởng Nga và Ukraine sẽ có cuộc đối thoại tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 10.3. Theo Đài RT, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã xác nhận thông tin này, đồng thời hy vọng đây sẽ là bước ngoặt tiến tới hòa bình và ổn định.Vi Trân

Nội dung

Về khả năng Ba Lan cung cấp tiêm kích MiG-29 cho Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm qua lên tiếng ủng hộ Ba Lan về vấn đề này. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo chính quyền Warsaw rằng quyết định đó có thể đẩy Ba Lan vào tình thế đối mặt với các nước như Nga và Belarus, theo Sky News.

Trong cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 8.3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi tình hình ở Ukraine là đáng quan ngại, kêu gọi các bên hãy “kiềm chế tối đa”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng ưu tiên ở đây là nên ngăn chặn tình hình ở Ukraine vượt khỏi tầm kiểm soát, Tân Hoa xã đưa tin.

An ninh hạt nhân là một trong những quan ngại lớn nhất trong lúc chiến sự vẫn tiếp diễn ở Ukraine. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm qua cho hay đã nhận được báo cáo về các đợt pháo kích gây hư hại một cơ sở nghiên cứu hạt nhân ở TP.Kharkiv. IAEA cho biết may mắn đã không xảy ra hậu quả liên quan đến phóng xạ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.