Nga tiến vào Severodonetsk, Ukraine phản công

Bảo Vinh
Bảo Vinh
31/05/2022 06:13 GMT+7

Trong khi quân đội Nga và đồng minh đang dồn lực tấn công vùng Donbass, lực lượng Ukraine đã mở những cuộc phản công ở một số vùng khác.

Chảo lửa Severodonetsk

Trong cuộc phỏng vấn với Kênh truyền hình TF1 của Pháp hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố “giải phóng” vùng Donbass ở miền đông Ukraine là “ưu tiên tuyệt đối” của Nga. Nhắc lại việc Nga coi 2 phe ly khai ở Donbass là “các nhà nước độc lập”, ông Lavrov nhấn mạnh chiến dịch tại Ukraine là điều không thể tránh khỏi sau khi phương Tây không chú ý đến những cảnh báo về sự bỏ rơi và tấn công quân sự của Ukraine đối với cộng đồng nói tiếng Nga tại Donbass, cáo buộc đã bị Kyiv bác bỏ.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ngày 96, Ukraine cố sức không để mất Luhansk

Hiện tại, chiến sự đang diễn ra hết sức ác liệt tại TP.Severodonetsk ở tỉnh Luhansk thuộc vùng Donbass. Nếu Severodonetsk và TP liền kề Lysychansk thất thủ, Nga xem như kiểm soát hoàn toàn Luhansk và sẽ có thể tiếp tục đà tiến công tại Donetsk để hoàn thành mục tiêu. Tỉnh trưởng Luhansk Serhiy Haidai và quân đội Ukraine ngày 30.5 thừa nhận lực lượng Nga đã tràn vào khu vực đông bắc và đông nam của Severodonetsk, theo AFP. Ông Haidai cho hay Nga đang vận chuyển số lượng lớn vũ khí đến và dùng mọi thứ có thể để tấn công.

Lực lượng Ukraine từ Bakhmut đến Kostyantynivka thuộc tỉnh Donetsk ngày 29.5

Reuters

Severodonetsk, nơi được ví như “Mariupol thứ hai”, bị oanh tạc dữ dội đến mức các quan chức thừa nhận không thể đánh giá thương vong và thiệt hại cụ thể nhưng cho biết toàn bộ cơ sở hạ tầng quan trọng đã bị phá hủy. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm qua tuyên bố Ukraine đang làm mọi thứ để đẩy lùi cuộc tiến công này.

Hôm cuối tuần, ông Zelensky đã đến thăm binh sĩ tại tỉnh Kharkiv, lần đầu tiên ông rời khỏi Kyiv từ khi chiến sự bắt đầu. Tại đây, nhà lãnh đạo cách chức một lãnh đạo cơ quan an ninh khu vực vì không bảo vệ thành phố mà chỉ nghĩ đến bản thân.

Chiến sự dữ dội tại Donbass, vì sao có binh sĩ Ukraine không muốn đàm phán hòa bình?

Trong một bài phát biểu hôm cuối tuần, Tổng thống Zelensky tin rằng Nga sẽ chỉ đồng ý đàm phán nếu Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ nhưng cho biết Ukraine không thể làm điều đó bằng biện pháp quân sự vì cách này sẽ khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng.

Ukraine phản công tại miền nam

Hôm qua, quân đội Ukraine thông báo đã bắt đầu cuộc phản công tại miền nam và đạt bước tiến đáng kể về phía tỉnh Kherson, theo CNN. Ông Oleksandr Vilkul, lãnh đạo chính quyền quân sự TP.Kryvyi Rih thuộc tỉnh Dnipropetrovsk, cũng cho biết lực lượng Ukraine đã mở cuộc phản công thành công vào phía nam thành phố và phá hủy nhiều khí tài quân sự Nga.

Trái với Donbass, Nga được cho là vẫn để ngỏ khả năng sáp nhập vào lãnh thổ các vùng khác tại Ukraine mà Moscow đang kiểm soát. Trong cuộc phỏng vấn hôm qua, Ngoại trưởng Lavrov nói: “Mục tiêu rõ ràng của chúng tôi đương nhiên là đẩy quân đội Ukraine ra khỏi Donetsk và Luhansk. Đối với phần lãnh thổ còn lại tại Ukraine, nơi có những người không muốn cắt đứt với Nga, người dân tại đó sẽ tự quyết định”.

Donbass là "ưu tiên vô điều kiện" đối với Nga

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Reuters, ông Kirill Stremousov, phó lãnh đạo chính quyền tỉnh Kherson do Nga bổ nhiệm, nói rằng sẽ quyết định vào năm sau về việc sáp nhập vào Nga và quá trình này có thể gồm một cuộc trưng cầu dân ý. Ông Stremousov đã bị Ukraine buộc tội phản quốc. Kherson nằm ngay sát bán đảo Crimea và bị Nga kiểm soát vào thời gian đầu của chiến dịch quân sự. Hiện nay, rúp Nga đã được đưa vào sử dụng song song tại Kherson và các ngân hàng, hãng di động Nga cũng dự tính hoạt động tại tỉnh này. Tuần trước, Tổng thống Putin ký sắc lệnh tạo điều kiện nhanh hơn cho cư dân Kherson và Zaporizhzhia được cấp quốc tịch Nga.

EU bất đồng về cấm dầu mỏ Nga

Các nhà ngoại giao EU đã không thể thống nhất về lệnh cấm vận dầu mỏ Nga sau cuộc họp căng thẳng hôm 29.5. Sáng qua, họ tiếp tục nỗ lực cuối cùng nhằm tìm tiếng nói chung trước khi các lãnh đạo của liên minh bắt đầu hội nghị trong buổi chiều và trong ngày 31.5. Đợt cấm vận thứ 6 của EU lên Nga được đề xuất từ đầu tháng nhưng chưa thể chốt hạ về việc cấm vận dầu mỏ trước sự phản đối của Hungary và các nước phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Nga như Slovakia, CH Czech. Theo AFP, các nhà ngoại giao đồng ý với lệnh cấm và miễn trừ cho 3 nước trên trong 2 năm nhưng Hungary muốn ít nhất 4 năm và gần 800 triệu euro cho các cơ sở lọc dầu. Một quan chức EU tiết lộ phương án thỏa hiệp mới nhất là chỉ cấm vận dầu mỏ nhập bằng tàu biển và không đóng đường ống Druzhba cung cấp cho 3 nước trên.

Vượt châu Âu, châu Á chính thức là đối tác mua dầu hàng đầu của Nga
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.