Hôm nay 12.1, đại diện Nga và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ gặp nhau tại Brussels (Bỉ). Đây là cuộc thứ 2 trong tuần đàm phán quan trọng, được cho là cơ hội để xử lý hàng loạt vấn đề trong quan hệ Nga - phương Tây giữa lúc căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt liên quan tình hình Ukraine. Tiếp sau đây, vào ngày 13.1, quan chức cấp cao Nga và phương Tây sẽ đối thoại trong khuôn khổ cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) tại Vienna (Áo).
Mỹ - Nga vẫn chưa đạt được thoả thuận về Ukraine |
Đầu chưa xuôi, đuôi khó lọt
Cuộc họp Hội đồng Nga - NATO diễn ra ngay sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và người đồng cấp Nga Sergei Ryabkov có cuộc gặp kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ ngày 10.1 tại Geneva (Thụy Sĩ). Mặc dù cả hai nhà ngoại giao đều nói cuộc gặp mang tính xây dựng, tích cực và đã diễn ra một cách thẳng thắn nhưng chưa có bước tiến đáng kể nào được ghi nhận. Trả lời phóng viên sau buổi gặp, bà Sherman cho rằng hai bên đã thảo luận và hiểu hơn về những lo ngại cũng như ưu tiên của nhau, đồng thời Nga - Mỹ cũng đã đưa ra những quan điểm, lập trường rõ ràng. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tỏ ra thận trọng khi nhấn mạnh cần thời gian và không gian để ngoại giao và đối thoại tiến triển trong những vấn đề phức tạp như căng thẳng ở Ukraine hay kiểm soát vũ khí, theo ABC News.
Quan hệ của Nga với phương Tây có nhiều vấn đề căng thẳng |
REUTERS |
Về phần mình, nhà ngoại giao Nga tuyên bố sẽ không thể có tiến triển nào nếu Mỹ không đưa ra đảm bảo pháp lý về việc Ukraine và Georgia không bao giờ trở thành thành viên NATO. Ông Ryabkov còn cảnh báo Mỹ đang coi nhẹ sự khẩn cấp của tình hình và những yêu cầu Nga đưa ra trong dự thảo hiệp ước từ tháng trước. “Chúng tôi đã chán ngấy những lời nói suông và những lời hứa nửa vời… Chúng tôi không tin bên kia. Chúng tôi cần sự đảm bảo chắc chắn, sự ràng buộc pháp lý”, ông nói. Thứ trưởng Ngoại giao Nga một lần nữa bác bỏ thông tin cho rằng gần 100.000 binh sĩ nước này tập trung ở biên giới với Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược.
Có thể thấy, cả Nga và Mỹ vẫn bế tắc trong những vấn đề cốt lõi căng thẳng nhất. Khi đề cập thẳng về vấn đề mở rộng NATO, phía Nga yêu cầu quyết liệt và đòi hỏi Mỹ cũng như liên minh đảm bảo. Trong khi đó, phía Mỹ cũng quyết liệt không kém khi nhấn mạnh Washington “sẽ không cho phép bất kỳ ai đóng chặt cánh cửa trở thành thành viên NATO”. Lập trường hai bên đã rõ ràng, báo hiệu cuộc đối thoại của Hội đồng Nga - NATO hôm nay sẽ khó có nhiều triển vọng.
Cơ hội của phương Tây
Trong cuộc đấu cân não này, phương Tây được cho là có những lợi thế chiến lược riêng so với Nga. Theo CNN dẫn lời một số quan chức từ các thành viên có tiếng nói và lâu đời nhất của NATO, cuộc đối thoại ngày 12.1 là cơ hội để liên minh này đưa ra lập trường vững chắc và thống nhất rằng nếu Nga leo thang căng thẳng sẽ phải đối mặt hậu quả kinh tế nghiêm trọng và phương Tây sẽ dùng những công cụ chưa được sử dụng hồi năm 2014. Các quan chức này không nói rõ là công cụ gì để Nga không biết trước mà chuẩn bị, tuy nhiên nhấn mạnh đó là tổng hợp của nhiều biện pháp cấm vận cứng rắn.
Kazakhstan: trông đợi gì sau những ngày hỗm loạn? |
Một số nhà quan sát cho rằng các biện pháp về kinh tế có thể giúp phương Tây xử lý được vấn đề với Nga và nếu các nước cùng thống nhất thì có thể dồn Nga vào thế chân tường. Theo các nhà phân tích, phương Tây có nhiều lựa chọn để tăng sức ép kinh tế đối với Nga và điều này cũng khiến cho cuộc đối thoại hôm nay ở Brussels trở nên căng thẳng và quan trọng hơn.
Tuy nhiên, không phải cứ có lợi thế là được. Báo chí phương Tây cảnh báo rằng đối đầu với Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin không phải chuyện dễ dàng.
Thế của Nga
Trên bàn cờ này, Nga là “tay chơi” khó nhằn. Nội bộ phương Tây vẫn có những nhân tố chần chừ trong các quyết định đối với Nga. Cũng vì lẽ đó, giới quan sát nhận định rằng nếu xử lý không khéo và thiếu đi tính đoàn kết thật sự, phương Tây có thể thua trong cuộc đấu trí với Tổng thống Putin. Về mặt kinh tế, dù hứng chịu nhiều lệnh cấm vận và bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, giới chức Nga vẫn nhiều lần tuyên bố không e ngại.
Điều đáng nói, Nga vẫn có thế mạnh rất lớn về quân sự tại khu vực và bất kỳ động thái thiếu tính toán nào từ NATO hay cả Ukraine cũng có thể dẫn đến xung đột. Tại cuộc đối thoại với người đồng cấp Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov đã không loại trừ các biện pháp quân sự. Ông Ryabkov cảnh báo nếu NATO tiếp tục triển khai vũ khí tiên tiến ở châu Âu, quân đội Nga có thể sẽ đáp trả theo cách “gây thiệt hại không thể tránh khỏi cho an ninh của Mỹ và các đồng minh châu Âu”, theo RT.
Nga rõ ràng có sự quan tâm rất lớn đối với các nước láng giềng như Ukraine nên khó có khả năng Nga chấp nhận nhượng bộ trước sức ép từ phương Tây. Do đó, bế tắc về vấn đề Ukraine được dự báo sẽ không dễ tháo gỡ trong tuần đàm phán căng thẳng này.
Lực lượng do Nga dẫn đầu chuẩn bị rời Kazakhstan
Tổng thống Kazakhstan, ông Kassym-Jomart Tokayev hôm qua cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu đã hoàn tất nhiệm vụ thành công và sẽ bắt đầu rời khỏi Kazakhstan từ ngày 13.1, thời gian rút quân không quá 10 ngày, theo Sputnik. Trước đó, hơn 2.000 binh sĩ của lực lượng CSTO đã được triển khai vào giai đoạn đỉnh điểm cuộc khủng hoảng bạo lực tại Kazakhstan vào tuần trước, theo lời kêu gọi của Tổng thống Tokayev. CSTO tuyên bố nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình là bảo vệ các cơ sở trọng yếu và đảm bảo an toàn cho người dân Kazakhstan, thay vì tham gia trấn áp bạo loạn.
Hôm 10.1, Tổng thống Nga Putin nói rằng lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO được triển khai tới Kazakhstan đã hành động kịp thời và chính đáng, bất chấp lo ngại từ phương Tây cho rằng động thái này có thể gây ra mối đe dọa đối với chủ quyền của quốc gia Trung Á. Trong cuộc điện đàm cùng ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng Bắc Kinh ủng hộ việc lực lượng do Nga dẫn đầu tới Kazakhstan, theo Reuters. Tình hình bất ổn ở Kazakhstan hiện đã được kiểm soát. Trong thông báo ngày 11.1, Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ hơn 9.000 đối tượng tham gia bạo loạn.
Bình luận (0)