Nga, Trung Quốc tăng cường hoạt động kinh tế ở 'sân sau' của Mỹ

09/06/2017 10:02 GMT+7

Nga và Trung Quốc đang nỗ lực hoạt động để giành ảnh hưởng ở các nước thuộc khu vực Trung - Nam Mỹ với những lời hứa viện trợ, hỗ trợ đầu tư hấp dẫn.

Khi nguồn cung cấp dầu thô từ Venezuela bị suy giảm vào năm ngoái, Cuba đã quay sang Nga để kiếm tìm sự giúp đỡ. Vào đầu tháng 5.2017, Moscow đã gửi một chiếc tàu chở đầy dầu thô vượt Đại Tây Dương đến Cuba như một thỏa thuận giữa hai nước. Tuy đây là chuyến hàng đầu tiên mà Cuba nhận được từ Nga sau nhiều năm, nhưng chắc chắn đó không phải là dấu hiệu duy nhất cho sự trở lại của Nga tại khu vực mà nước này đã bỏ lại kể từ sau cuộc Chiến tranh lạnh.
Theo Bloomberg, Nga đang xây dựng một trạm theo dõi vệ tinh ở thủ đô Managua của Nicaragua, xem xét việc mở lại các căn cứ quân sự, cũng như mở rộng các mối quan hệ kinh tế, viện trợ cho các quốc gia ở Trung Mỹ và Caribê.
“Các động thái trên hoàn toàn có thể là cách để người Nga gửi đi thông điệp rằng: Hãy cẩn thận, chúng tôi có thể trở lại ''sân sau'' của Mỹ. Hoặc đó là một cam kết mang tính chiến lược dài hạn của một khoản đầu tư đáng kể vào khu vực này”, Jorge Piñon, Giám đốc Chương trình Năng lượng Mỹ Latin và Caribê, thuộc Đại học Texas (Mỹ), nói.
Theo American Enterprise Institute, Trung Quốc cũng đang xây dựng sự hiện diện của mình tại vùng Caribê. Các công ty và chính phủ Đại lục đã đổ 6 tỉ USD vào khu vực này từ năm 2012. Song, mối quan tâm của Bắc Kinh không chỉ là kinh tế. Nước này muốn thuyết phục Cộng hòa Dominica và 10 quốc gia khác trong khu vực cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Đại lục luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình theo chính sách “Một Trung Quốc”, nhưng Đài Loan luôn cố gắng để khẳng định quyền tự chủ. Trong nhiều năm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và Đài Loan đã cạnh tranh với nhau để giành sức ảnh hưởng ngoại giao bằng lời hứa cho các nước nhỏ, nghèo thuộc khu vực Mỹ Latin vay tiền với chi phí thấp hoặc viện trợ không hoàn lại. Tuy nhiên, có vẻ Đài Loan sẽ khó thắng trong cuộc đua vì số tiền Trung Quốc đổ vào khu vực này ngày một nhiều.
Theo Evan Ellis, Giáo sư nghiên cứu về Mỹ Latin tại Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Học viện Chiến tranh Quân đội Mỹ, cho biết rằng ngay cả trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thu hẹp vai trò toàn cầu của Mỹ theo chính sách “America First”, cả Nga và Trung Quốc đều “nhận ra tầm quan trọng địa chính trị của khu vực này do sự gần gũi của nó với Mỹ. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt ở đây đó là, trong khi Trung Quốc muốn nhẹ nhàng xây dựng sự hiện diện về kinh tế, thì Nga lại muốn nhiều hơn...”.
Nikolay Smirnov, Đại sứ Nga tại Guyana ở phía nam Caribê, nhấn mạnh về tiềm năng hợp tác nhiều hơn ở lĩnh vực thương mại và biến đổi khí hậu giữa Nga với các nước trong khu vực Mỹ Latin. “Trong chính sách đối ngoại của Nga, có rất nhiều cơ hội cho tất cả các nước tham gia vào các mối quan hệ hợp tác kinh tế. Chúng tôi không cạnh tranh với lợi ích của các nước khác”, ông Smirnov nói.
Theo số liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ, hiện Mỹ vẫn là lực lượng kinh tế chủ đạo ở Trung Mỹ và Caribê, với khoảng 80 tỉ USD thương mại hai chiều vào năm ngoái. Mỹ cũng là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của khu vực này với 18 tỉ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, theo một phân tích của Văn phòng Washington về Mỹ Latin, ngân sách viện trợ của Tổng thống Trump cho các nước Trung Mỹ dự kiến sẽ giảm gần 40%. Trong khi đó, số tiền Nga đã viện trợ cho các hòn đảo nhỏ ở Caribê và xóa nợ cho Cuba đã lên tới 32 tỉ USD. Trung Quốc cũng đổ nhiều vốn vào các dự án khách sạn ở Barbados và các nhà máy điện ở Haiti. Tại Jamaica cũng có một con đường mang tên “Đường cao tốc Bắc Kinh” được Đại lục tài trợ 730 triệu USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.