Trưởng phòng Tác chiến điện tử và mạng của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, Đại tá Ivan Pavlenko cho biết Nga đã đẩy mạnh sản xuất nhiều máy bay không người lái (UAV), tạo nên một mối đe dọa lớn cho lực lượng Kyiv.
Trong bối cảnh đó, theo ông Pavlenko, "tác chiến điện tử lại càng trở nên quan trọng".
Ông Pavlenko kêu gọi các đồng minh cung cấp cho Ukraine thêm thiết bị có thể ngăn chặn tín hiệu dẫn đường cho của tên lửa và máy bay không người lái do Nga sản xuất.
Ngoài ra, ông cho biết các hệ thống tác chiến điện tử của Nga cần có các linh kiện công nghệ cao, nên điều quan trọng là các đồng minh phương Tây phải áp đặt cấm vận đối với các bộ phận này.
Trong khi đó, Nga cũng đang ngày càng sử dụng nhiều hơn tác chiến điện tử để làm lạc hướng các loại vũ khí dẫn đường chính xác do phương Tây cung cấp cho Ukraine, cụ thể như tên lửa HIMARS và đạn pháo Excalibur.
Bên cạnh đó, Moscow cũng sử dụng hệ thống tác chiến điện tử để mô phỏng các vụ phóng tên lửa và máy bay không người lái nhằm gây nhầm lẫn và xác định vị trí các hệ thống phòng không của Ukraine.
Còn tại các mặt trận, binh sĩ Ukraine có thể dễ dàng trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công bằng pháo binh và UAV của Nga nếu không củng cố năng lực tác chiến điện tử.
Hệ thống tác chiến điện tử có nhiều hình dạng và quy mô khác nhau, từ hệ thống radar, thiết bị thu phát gắn trên xe tải cho đến các thiết bị bỏ túi. Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, cả 2 bên đều đã gấp rút bảo vệ binh sĩ bằng cách sáng tạo các hệ thống tác chiến điện tử mới.
Tuy nhiên, Nga đang có lợi thế vị đã tập trung nâng cao năng lực này từ trước khi cuộc xung đột bùng nổ 2 năm trước. Nhờ đó, quân Nga có thể sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử dọc hầu hết chiến tuyến.
Theo một báo cáo tư vấn quân sự được Financial Times trích dẫn, Nga sở hữu hệ thống ngăn chặn mục tiêu Polyus-21 có thể được triển khai trên mặt đất, trên tháp hoặc gắn trên xe, có thể bao phủ bán kính 150 km; hay hệ thống Murmansk được gắn trên xe bọc thép di động.
Hiện Ukraine tuyên bố đã cải thiện khả năng tác chiến điện tử của mình bằng các hệ thống sản xuất trong nước nhưng do phương Tây cung cấp công nghệ và linh kiện.
Một dẫn chứng là hệ thống Bukovel, có thể được gắn trên các loại xe, cũng có thể phát hiện và gây nhiễu đường truyền dữ liệu của UAV, và có thể chặn tín hiệu dẫn đường vệ tinh. Quân đội Ukraine đã kêu gọi chính phủ sản xuất thêm nhiều hệ thống tương tự.
Ông Pavlenko nhấn mạnh rằng máy bay chiến đấu F-16 cần được trang bị hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, và Kyiv đang làm việc với các đồng minh về yêu cầu này. Ông cho rằng Ukraine có thể trở thành phòng thí nghiệm chiến tranh điện tử lý tưởng cho phương Tây, dù ông cũng thừa nhận một số đồng minh còn lưỡng lự trong việc chia sẻ công nghệ.
Bình luận (0)